Nhỏ Bình thường Lớn

WHO cảnh báo tín hiệu đáng lo ngại của đại dịch Covid-19

Số ca Covid-19 toàn cầu đang tăng trở lại ngay cả khi mức độ xét nghiệm giảm mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO. (Nguồn: Reuters)
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO. (Nguồn: Reuters)

Trong báo cáo ngày 16/3, WHO cho biết, sau nhiều tuần giảm liên tục, số ca Covid-19 toàn cầu tuần qua đã tăng 8%, với hơn 11 triệu ca nhiễm, hơn 43.000 ca tử vong.

Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới tuần qua thậm chí tăng 29%. Ca Covid-19 ở khu vực này tăng trở lại từ cuối tháng 12 năm ngoái và hiện giờ Tây Thái Bình Dương vượt châu Âu trở thành điểm nóng bùng dịch.

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách vấn đề kỹ thuật liên quan đến Covid-19 của WHO, lưu ý số ca nhiễm tăng nhanh ngay cả khi mức độ xét nghiệm ở hầu hết các nước đã giảm đi đáng kể.

Chuyên gia này đã chỉ ra 3 yếu tố chính khiến số ca Covid-19 toàn cầu tăng mạnh trở lại. Thứ nhất là biến chủng Omicron dễ lây lan hơn. Thứ hai là các nước đã dỡ bỏ hầu hết thậm chí toàn bộ các biện pháp phòng dịch, cách ly xã hội. Thứ ba là tình trạng nguồn cung vaccine Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng quá chênh lệch giữa nhiều nơi trên thế giới và điều này tạo điều kiện cho virus lây lan.

Bà Van Kerkhove cũng cảnh báo hệ quả của việc lan truyền thông tin không chính xác về đại dịch. "Những thông tin như Omicron là biến chủng nhẹ, đại dịch Covid-19 đã qua hay Omicron là biến chủng cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Những thông tin này gây nhiễu loạn", bà Van Kerkhove nói.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Số ca nhiễm tăng trở lại, đặc biệt ở những nơi đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, là điều hoàn toàn có thể dự báo được, nhưng ở nhiều nước, tỷ lệ tử vong ở mức cao khó chấp nhận".

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tiếp tục cảnh giác. Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Số ca nhiễm mà chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", ông Tedros nói.

Mặt khác, bà Van Kerkhove đưa ra một thông tin tích cực, đó là giờ đây thế giới đã biết cách để đối phó với Covid-19. "Tin vui là chúng ta đã có các công cụ để hạn chế sự lây lan của virus. Chúng ta biết đeo khẩu trang có hiệu quả. Chúng ta biết giãn cách xã hội có hiệu quả, chúng ta biết vaccine cứu sống mạng người. Chúng ta cần tiếp tục những điều đó", bà nói.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 463 triệu ca nhiễm, hơn 6 triệu ca tử vong. Nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ các biện pháp phòng dịch, mở cửa trở lại sau hơn 2 năm do số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 giảm đáng kể. Tuy vậy, WHO cảnh báo, Omicron không phải là biến chủng cuối cùng, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Hôm 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng của WHO đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó".

Lời khuyên với người điều trị vô sinh, hiếm muộn đã khỏi Covid-19

Lời khuyên với người điều trị vô sinh, hiếm muộn đã khỏi Covid-19

Theo các bác sĩ, các cặp vợ chồng trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản khoảng 1 tháng nên tiêm đủ ...

Một số triệu chứng hậu Covid-19 nổi bật, nên khám những gì?

Một số triệu chứng hậu Covid-19 nổi bật, nên khám những gì?

Triệu chứng Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 được biểu hiện ở trạng thái mệt mỏi, hụt hơi, ho khan, các dấu hiệu về bệnh ...

(theo Dân trí)