Mục đích của bản chỉ dẫn mới là góp phần đảm bảo các quốc gia thực hiện chiến lược phòng chống bệnh lao tuân thủ những tiêu chuẩn về đạo đức để bảo vệ quyền của tất cả người bệnh.
Bệnh Lao cướp đi sinh mạng của 5.000 người mỗi ngày. (Nguồn: webykhoa) |
Tài liệu này nhấn mạnh vào 5 nghĩa vụ đạo đức căn bản mà các chính phủ, nhân viên y tế, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu cùng các bên liên quan khác cần phải thực thi. Những nghĩa vụ này bao gồm: dành cho bệnh nhân lao sự hỗ trợ xã hội mà họ cần để thực thi những bổn phận của chính họ; không nên cách ly bệnh nhân lao khi chưa tận dụng hết mọi phương án điều trị và chỉ cách ly họ trong những điều kiện hết sức đặc biệt; tạo điều kiện để bệnh nhân lao được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe giống như mọi công dân khác; đảm bảo tất cả các nhân viên y tế đều được hành nghề trong môi trường an toàn; nhanh chóng chia sẻ các thông tin nghiên cứu cũng như các bản cập nhật về chính sách phòng chống bệnh lao trên toàn cầu.
Trong một thông cáo báo chí, Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết: "Bệnh lao thường nhằm vào những người nghèo khổ nhất. Do đó, WHO quyết tâm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị và những rào cản khác đang ngăn cản nhiều người bệnh tiếp cận những dịch vụ mà đối với họ là vô cùng cần thiết".
Ngày thế giới phòng chống bệnh lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm là dịp để các quốc gia nâng cao nhận thức về gánh nặng của căn bệnh truyền nhiễm này trên toàn thế giới, cũng như đánh giá lại những nỗ lực ngăn ngừa và điều trị bệnh. Đây là năm thứ hai WHO phát động chiến dịch "Đoàn kết chấm dứt bệnh lao", với trọng tâm là "Không để ai bị tụt lại phía sau" thông qua những hành động cụ thể để chấm dứt tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, cô lập và một số rào cản khác đối với người bệnh.