Nhỏ Bình thường Lớn

WHO kỷ niệm 75 năm thành lập, kêu gọi thúc đẩy công bằng trong tiếp cận y tế toàn cầu

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4, WHO cùng với 194 quốc gia thành viên trên thế giới tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập (7/4/1948-7/4/2023), trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia thành viên tăng cường sức khỏe cho mọi người, kêu gọi thúc đẩy công bằng trong tiếp cận y tế toàn cầu.

Tại Geneva, từ ngày 3/4 – 1/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) cùng với chính quyền thành phố Geneva đã tổ chức cuộc Triển lãm ảnh Sức khỏe nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập WHO, trưng bày 59 bức ảnh thể hiện 75 năm tiến bộ và thách thức trong lĩnh vực y tế, trong đó có bức ảnh về Việt Nam trong nỗ lực tăng cường an toàn đường bộ để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

WHO kỷ niệm 75 năm thành lập, đề cao vai trò của các quốc gia thành viên tăng cường sức khỏe cho mọi người. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Tổng giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus (bên trái) và Thị trưởng Geneva bà Marie Barbey-Chappuis (ở giữa) cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh Sức khỏe, 75 năm tiến bộ và thách thức, ngày 6/4. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Ngày 6/4, phát biểu tại lễ khai mạc cuộc Triển lãm ảnh Y tế tại Geneva, Thị trưởng thành phố Geneva bà Marie Barbey-Chappuis đã điểm lại những thành tựu quan trọng mà WHO đã đạt được trong 75 năm qua, chẳng hạn như nhờ chiến dịch tiêm chủng 12 năm do WHO lãnh đạo, thế giới đã xóa bỏ bệnh đậu mùa từ năm 1980, một bệnh dịch do virus đã từng khiến hàng triệu người chết.

Cũng trong phát biểu khai mạc Triển lãm ảnh nêu trên, Tổng giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, “Lịch sử của WHO cho thấy chúng ta có thể đạt được nhiều kết quả quan trọng khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung”.

Kể từ ngày 7/4/1948, khi WHO được thành lập và Hiến chương WHO bắt đầu có hiệu lực, trải qua 75 năm, hệ thống y tế toàn cầu đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ sức khỏe của người dân, như thanh toán bệnh đậu mùa, giảm 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, cứu sống hàng triệu người nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và cải thiện sức khỏe cũng như phúc lợi cho hàng triệu người khác.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh, “Dù tự hào vì những thành tựu đã đạt được, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn của tổ chức khi thành lập, đó là mang lại tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người.

Hiện chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự bất bình đẳng lớn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, hệ thống phòng vệ của hệ thống y tế toàn cầu trước các trường hợp y tế khẩn cấp vẫn còn nhiều lỗ hổng, các sản phẩm gây hại cho sức khỏe và khủng hoảng khí hậu tiếp tục đe dọa sức khỏe của người dân”.

Theo thống kê của WHO, hiện 30% dân số toàn cầu vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, gần 2 tỷ người có chi tiêu y tế nghèo nàn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19, các tình huống y tế khẩn cấp, các cuộc khủng hoảng khí hậu và nhân đạo đan xen, khó khăn kinh tế và chiến tranh càng khiến sự mất công bằng trong y tế trở nên trầm trọng.

WHO kỷ niệm 75 năm thành lập, đề cao vai trò của các quốc gia thành viên tăng cường sức khỏe cho mọi người (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Triển lãm ảnh kỷ niệm 75 năm thành lập WHO, bên bức ảnh về Việt Nam với chủ đề An toàn đường bộ: Hình ảnh các em học sinh treo mũ xe máy trên bức tường lớp học ở Khánh Hòa. Liên hợp quốc đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thương vong do tai nạn đường bộ, vì mục tiêu Sức khỏe cho mọi người. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Trước bối cảnh đó, WHO cam kết sẽ thúc đẩy công bằng về y tế, coi quyền y tế là quyền cơ bản của con người, nhấn mạnh đây là chìa khóa để giải quyết các thách thức, đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển cho thế giới.

Các biện pháp được đưa ra bao gồm tập trung giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề sức khỏe, y tế, xây dựng hệ thông y tế cơ bản, coi đây là nền tảng cho chương trình bao phủ y tế toàn dân, thúc đẩy đầu tư vào khoa học, nghiên cứu, đổi mới, dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời, WHO cũng cam kết hỗ trợ các quốc gia đàm phàn một thỏa thuận quốc tế mới về phòng chống dịch bệnh, sửa đổi Điều lệ Y tế quốc tế cũng như thúc đẩy các sáng kiến, cơ chế hợp tác để đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Cùng với đó, WHO cũng kêu gọi các quốc gia cần khẩn trương có các hành động để bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế, coi đây là một ưu tiên chiến lược, nhất là trong bối cảnh gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu trong lĩnh vực y tế.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập, WHO đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng vì công bằng y tế, như tuyển chọn và đăng tải các bộ phim tài liệu về tiếp cận y tế tại các quốc gia, tổ chức triển lãm ảnh, tổ chức hòa nhạc nghệ thuật chữa bệnh, nhằm vận động tăng cường Sức khỏe cho mọi người trên toàn thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thành lập ngày 7/4/1948, là ngày Hiến chương WHO bắt đầu có hiệu lực. WHO là tổ chức liên chính phủ về y tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc.

WHO đóng vai trò xây dựng quy phạm, quy tắc quốc tế trong lĩnh vực y tế, với tư cách cơ quan liên chính phủ có thẩm quyền chỉ đạo về lĩnh vực y tế trong hệ thống Liên hợp quốc. Theo Hiến chương WHO được các quốc gia thành viên chấp thuận, WHO đặt ra các chuẩn mực, tiêu chí về y tế cộng đồng. Các quốc gia thành viên sau đó chuyển hóa các chuẩn mực quốc tế vào pháp luật trong nước.

Ngoài ra, WHO xác định các chương trình nghiên cứu toàn cầu và đưa kết quả vào các khuyến nghị chính sách y tế của WHO.

Bên cạnh đó, WHO đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia thành viên. Hiến chương WHO nhấn mạnh mục tiêu lý tưởng " tất cả các dân tộc đạt được mức độ sức khỏe cao nhất có thể", được định nghĩa là "trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay thương tật".

Theo lời kêu gọi này, WHO phối hợp với tất cả các quốc gia thành viên để hỗ trợ quá trình phát triển y tế quốc gia. Một trong những dấu mốc quan trọng toàn cầu trong đại dịch, đó là việc thành lập cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 do Tổng giám đốc WHO cùng Tổng thống Pháp và Quỹ Bill & Melinda Gates khởi xướng, đã thúc đẩy hợp tác toàn cầu tăng tốc việc phát triển, sản xuất và tiếp cận toàn cầu đối với xét nghiệm, điều trị và vvaccine chống Covid-19.

Một số hình ảnh và các dấu mốc thành tựu y tế thế giới của WHO có thể xem tại trang điện tử của WHO : https://www.who.int/campaigns/75-years-of-improving-public-health/milestones/#year-2013; https://www.who.int/campaigns/75-years-of-improving-public-health./.
Ngày sức khỏe thế giới: Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng thực phẩm

Ngày sức khỏe thế giới: Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng thực phẩm

Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện sức khỏe miễn dịch ...

Tổ chức Y tế thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập bằng những mục tiêu ý nghĩa

Tổ chức Y tế thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập bằng những mục tiêu ý nghĩa

Hôm nay (7/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỷ niệm 75 năm thành lập cùng với 194 quốc gia thành viên và các ...

Giá vàng hôm nay 7/4/2023: Giá vàng thế giới từng bước tiến đến mức cao nhất mọi thời đại, vàng trong nước giảm cả ngày

Giá vàng hôm nay 7/4/2023: Giá vàng thế giới từng bước tiến đến mức cao nhất mọi thời đại, vàng trong nước giảm cả ngày

Giá vàng hôm nay 7/4/2023 giảm từ mức cao kỷ lục trong 12 tháng nhưng vẫn giữ mức tăng đột phá, lo ngại suy thoái ...

Giá cà phê hôm nay 8/4/2023: Áp lực nguồn cung tiếp tục điều khiển giá cà phê, thị trường sẽ thiếu hụt robusta

Giá cà phê hôm nay 8/4/2023: Áp lực nguồn cung tiếp tục điều khiển giá cà phê, thị trường sẽ thiếu hụt robusta

Giá cà phê arabica bị ảnh hưởng do lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhu ...

Báo Trung Quốc: Sự thật về ‘cuộc di cư của nhà đầu tư nước ngoài’, chỉ trích Mỹ và kêu gọi đừng bỏ lỡ cơ hội với Bắc Kinh

Báo Trung Quốc: Sự thật về ‘cuộc di cư của nhà đầu tư nước ngoài’, chỉ trích Mỹ và kêu gọi đừng bỏ lỡ cơ hội với Bắc Kinh

Căn cứ vào đâu để có thể đánh giá kinh tế Trung Quốc chính là nơi trú ẩn và phát triển an toàn nhất, sinh ...

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)