📞

WHO: “Nghiện game” là một chứng bệnh tâm thần

13:26 | 23/06/2018
Một tin không vui với những ai đang “nghiện” game khi mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định rằng nghiện chơi game quá mức được coi là một chứng bệnh rối loạn tâm thần mới.

Trong bản sửa đổi mới nhất của WHO về hướng dẫn phân loại bệnh tật, Tổ chức này đã xác định nghiện chơi game được xem như một chứng bệnh về sức khỏe tâm thần. Thông tin này khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng về con em mình.

Bác sĩ Shekhar Saxena - Giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần của WHO cho biết: WHO đã chấp nhận xem “Rối loạn chơi game” nên được liệt kê như một chứng bệnh về tâm thần dựa vào các bằng chứng khoa học và dựa vào nhu cầu thực tế cần phải điều trị tình trạng này ở nhiều nơi trên thế giới.

Các nghiên cứu cho thấy, cứ mê mẩn với các trò chơi online sẽ hình thành nên những dây thần kinh trong não bộ được kích hoạt tương tự như những người nghiện ma túy bị ảnh hưởng bởi một số chất gây nghiện. Các trò chơi sẽ gây nên một phản ứng thần kinh ảnh hưởng đến cảm xúc của người chơi và kết quả của trò chơi, những phần thưởng đạt được trong game sẽ tạo nên cảm giác hưng phấn như hành vi của người nghiện chất kích thích”.

Dù vậy Bác sĩ Saxena ước tính rằng, chỉ 2-3% các game thủ bị ảnh hưởng bới chứng “rối loạn chơi game” và thực sự có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những người đam mê trò chơi điện tử có thể mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Cũng như nhận định của bác sĩ Saxena, theo bác sĩ Joan Harvey - phát ngôn viên của Hiệp hội tâm lý Anh, thì chỉ một số ít game thủ sẽ bị ảnh hưởng bởi chứng “rối loạn chơi game” và cảnh báo rằng tuyên bố của WHO có thể gây ra những mối bận tâm không cần thiết ở các bậc phụ huynh. “Mọi người cần phải hiểu rằng điều này không có nghĩa rằng những đứa trẻ dành ra hàng giờ trong phòng mình để chơi game đều được xem là nghiện game”, bác sĩ Harvey trấn an trước thông tin của WHO.

Một số chuyên gia về sức khỏe tâm thần khác cho rằng điều quan trọng là cần phải xác định người bị nghiện chơi game một cách nhanh chóng để có hướng điều trị, tuy nhiên điều này thường không dễ dàng vì những đối tượng nghiện chơi game thường là thanh thiếu niên, vốn là những người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế.

Theo bác sĩ Henrietta Bowden-Jones thuộc Đại học Hoàng gia về sức khỏe Tâm thần (Anh) thì chứng nghiện game sẽ được chữa trị tốt nhất bằng các liệu pháp về tâm lý, nhưng việc sử dụng thuốc cũng có thể mang lại hiệu quả.

Bác sĩ Mark Griffiths - Giám sư về hành vi gây nghiện của Đại học Nottingham Trent (Anh), người đã nghiên cứu về các khái niệm rối loạn chơi game trong 30 năm, cho biết tuyên bố mới của WHO sẽ giúp tăng cường các chiến lược điều trị cho những người nghiện chơi game. “Trò chơi điện tử giống như một loại cờ bạc phi tài chính về mặt tâm lý. Con bạc sử dụng tiền như một cách để ghi điểm, trong khi game thủ sử dụng điểm số trong game”, Giáo sư Griffiths nói.

Tuy nhiên Giáo sư Griffiths dự đoán rằng những người chơi game có vấn đề thực sự về tâm thần cũng chỉ rất ít, chỉ khoảng 1% và những người này có thể gặp phải các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc chứng tự kỷ, trong khi đó phần lớn những người chơi game khác thường chỉ mang tính giải trí và theo trào lưu, chứ không thực sự là những người nghiện game.

Dù tỷ lệ không cao nhưng các chuyên gia về tâm lý vẫn khuyến cáo cha mẹ và bạn bè của những người đam mê trò chơi điện tử vẫn phải lưu tâm đến những người này để đề phòng những trường hợp ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và tư vấn các chuyên gia về tâm lý nếu thấy cần thiết. “Nếu trò chơi điện tử làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người chơi, cho dù đó là vấn đề về quan hệ xã hội, công việc... thì cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý”, Giáo sư Griffiths cho biết.

Dù vậy không phải ai cũng công nhận tuyên bố mới của WHO. Hiệp hội Tâm thần Mỹ vẫn chưa coi “Rối loạn chơi game” là một vấn đề về sức khỏe tâm thần, mà chỉ xem đây là một điều kiện chẩn đoán lâm sàng để xem xét và đưa ra các giải pháp riêng để chữa trị.

(theo Dân trí)