Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí) |
Kể từ ngày 9/4/2014, Microsoft đã chính thức “khai tử” hệ điều hành Windows XP, đồng nghĩa với việc ngừng mọi hỗ trợ, cũng như không tiếp tục phát hành bản nâng cấp vá lỗi cho hệ điều hành này. Sau thời điểm kể trên, người dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng Windows XP trên máy tính của mình bình thường (nếu đang sử dụng hệ điều hành này), nhưng sẽ phải tự chấp nhận và đối mặt với các rủi ro (nếu có); chẳng hạn, các lỗi phát sinh nay lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện...
Tuy phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tiếp tục sử dụng Windows XP, hiện hàng triệu người dùng trên toàn cầu vẫn lựa chọn tiếp tục gắn bó với hệ điều hành này, thay vì nâng cấp lên phiên bản Windows 10 mới hơn.
Theo kết quả nghiên cứu vừa được hãng Nghiên cứu thị trường NetMarketShare công bố, tính đến tháng 8/2020, vẫn đang có 1,26% laptop và máy tính bàn trên toàn cầu đang sử dụng hệ điều hành Windows XP. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn so với các phiên bản hệ điều hành máy tính khác mới hơn, như Windows 8 (0,57%), ChromesOS (0,42%) hay Windows Vista (0,12%).
Ước tính hiện có hơn 2 tỷ máy tính (bao gồm cả laptop lẫn desktop) đang hoạt động trên toàn cầu, nghĩa là vẫn có hơn 25,2 triệu chiếc máy tính cá nhân đang sử dụng Windows XP, hệ điều hành vốn đã bị “khai tử” từ cách đây hơn 6 năm. Điều này cho thấy Windows XP là một trong những hệ điều hành máy tính được yêu thích nhất trong lịch sử.
Được chính thức giới thiệu từ ngày 25/10/2001, ưu điểm lớn nhất của Windows XP đó là hoạt động ổn định, không đòi hỏi cấu hình thiết bị quá cao và giao diện thân thiện. Chính vì những ưu điểm này, Windows XP vẫn đang là sự lựa chọn trên các hệ thống máy tính tại các địa điểm công cộng như trường học, thư viện hoặc các văn phòng làm việc không đòi hỏi quá cao về vấn đề bảo mật…
Đáng chú ý, theo thống kê của NetMarketShare thì một hệ điều hành khác cũng đã bị “khai tử” là Windows 7 vẫn đang có một thị phần rất lớn trên thị trường máy tính cá nhân.
Được ra đời từ năm 2009, Windows 7 bị Microsoft chính thức “khai tử” và ngừng mọi hỗ trợ từ ngày 14/1/2020. Dù vậy, đến tháng 8/2020, Windows 7 vẫn đang chiếm 26,03% thị phần trên thị trường máy tính cá nhân, xếp thứ 2 về lượng người dùng.
Cũng như Windows XP, Windows 7 được nhiều người yêu thích nhờ vào giao diện thân thiện, dễ sử dụng và hoạt động ổn định hơn so với “thảm họa” Windows Vista được ra mắt trước đó. Thậm chí nhiều người dùng còn cho rằng, Windows 7 thân thiện và dễ sử dụng hơn cả Windows 10.
Cũng theo NetMarketShare thì hiện Windows 10 đang là hệ điều hành máy tính cá nhân phổ biến nhất, chiếm đến 56,42% thị phần trên thị trường hệ điều hành máy tính.
Thị phần 10 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay trên thị trường máy tính (tính đến tháng 8/2020):
Thứ tự | Hệ điều hành | Thị phần |
1 | Windows 10 | 55,24% |
2 | Windows 7 | 26,03% |
3 | MacOS X 10.15 | 3,49% |
4 | Windows 8.1 | 3,21% |
5 | MacOS X 10.14 | 2,96% |
6 | MacOS X 10.13 | 1,44% |
7 | Linux | 1,29% |
8 | Windows XP | 1,26% |
9 | Ubuntu | 1,08% |
10 | MacOS X 10.12 | 0,62% |
Số liệu thống kê cho thấy, hệ điều hành Windows vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường máy tính cá nhân. Dù lượng tiêu thụ máy tính Mac và MacBook của Apple trong thời gian qua đã liên tục tăng, nhưng phiên bản hệ điều hành MacOS X được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là MacOS X 10.15 cũng chỉ chiếm 3,49% thị phần.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, cho dù đang sử dụng Windows, MacOS X hay Linux… người dùng vẫn nên nâng cấp máy tính của mình lên phiên bản hệ điều hành mới nhất để đảm bảo được cập nhật các bản vá lỗi từ nhà sản xuất, tránh được các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng mà tin tặc có thể khai thác để xâm nhập và lấy cắp dữ liệu trên máy tính của người dùng.