Giao diện của Cổng thông tin điện tử về phát triển bền vững của WTO. (Nguồn: sgdtrade.org) |
Cổng thông tin sẽ tổng hợp những tiến triển mới nhằm đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến thương mại của Liên hợp quốc (https://sdgtrade.org/).
Cổng thông tin cho phép người dùng thực hiện phân tích các chỉ số SDG liên quan đến thương mại, mối quan hệ giữa thương mại và phát triển trong chương trình nghị sự về SDG, tiến triển trong việc đạt được các mục tiêu SDG và thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu này.
Trong 15 năm qua, thương mại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đã đạt thành tựu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Sự phối hợp giữa UNCTAD, ITC và WTO xây dựng Cổng thông tin điện tử này nhằm đưa ra dữ liệu chính thức, cập nhật về các chỉ số SDG liên quan đến thương mại, năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường, sự dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa và dịch vụ thực phẩm và y tế, được ghi nhận và phản ánh trong các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Cổng thông tin điện tử bao trùm các mục tiêu: Điều chỉnh và ngăn chặn các hạn chế và bóp méo thương mại trên thị trường nông sản thế giới; Tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất (LDCs) xuất phát từ sáng kiến Viện trợ thúc đẩy Thương mại; Thực hiện các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển; Thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương cởi mở, không phân biệt đối xử và công bằng, dựa trên luật lệ toàn cầu; Tăng xuất khẩu của các nước đang phát triển và các nước kém phát triển; Thực hiện tiếp cận thị trường miễn thuế và hạn ngạch dài hạn cho các nước LDC.
Ngày 16/10, WTO đã ra mắt ấn phẩm mới mang tiêu đề Câu trả lời ngắn cho những câu hỏi lớn về WTO và môi trường. Các vấn đề cơ bản được đề cập trong cuốn sách bao gồm: (i) Mối liên quan giữa thương mại và môi trường; (ii) Các cam kết trong khuôn khổ WTO có ngăn cản các chính phủ trong việc bảo vệ môi trường hay không? (iii) Các quy tắc của WTO không ngăn chặn cacs hành động về môi trường, vậy các quy tắc của WTO yêu cầu điều gì? (iv) Chính sách mà các Chính phủ có thể ban hành để bảo vệ môi trường? (v) Vai trò của WTO trong việc thúc đẩy các chính sách môi trường của các thành viên WTO.
Phát biểu trực tuyến trong buổi lễ khai trương Cổng thông tin điện tử, Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff cho biết, vấn đề môi trường trong hệ thống thương mại đa phương, vai trò thương mại và WTO liên quan đến môi trường là rất phức tạp, không phải lúc nào cũng hiểu rõ vai trò của nó.
Nội dung ấn phẩm sẽ hướng dẫn WTO hoạt động tốt hơn phục vụ cho con người, hành tinh và sự phát triển tốt đẹp trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã đẩy vấn đề môi trường trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của các địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ấn phẩm nhấn mạnh rằng, trong khi hoạt động kinh tế và giao thông vận tải nhiều hơn có thể có tác động đến môi trường, bằng cách thúc đẩy phát triển, hiệu quả kinh tế và phổ biến hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, thương mại giúp các quốc gia sử dụng tài nguyên hiệu quả và theo đuổi các mục tiêu bền vững.
Cuốn sách này cũng nhấn mạnh, các quy định của WTO không ngăn cản hành động môi trường đầy tham vọng và các chính phủ đang sử dụng rộng rãi các biện pháp thương mại để bảo vệ môi trường.
Trong trường hợp một biện pháp môi trường hạn chế thương mại, ấn phẩm giải thích 4 tiêu chí theo các quy định của WTO để bảo đảm biện pháp đưa ra không phải là chủ nghĩa bảo hộ trá hình cũng như không tạo ra sự phân biệt đối xử vô cớ hoặc tùy tiện.
Theo đó, biện pháp môi trường hạn chế thương mại theo quy định của WTO phải: (i) nhất quán và hợp lý bởi một mục tiêu môi trường hợp pháp, không phải để bảo vệ các ngành trong nước; (ii) phù hợp với mục đích, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu; (iii) lưu ý tác động đến các quốc gia khác và là một phần của chính sách môi trường tổng thể; (iv) linh hoạt trong việc xem xét các biện pháp thay thế để đạt được cùng một kết quả.
Các trường hợp tranh chấp tại WTO liên quan đến biện pháp môi trường được nêu bật trong cuốn sách cũng khẳng định tầm quan trọng của những cân nhắc này.