Hội thảo quốc tế “Tăng cường xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương” có sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế cùng nhiều học giả, chuyên gia.
Tại phiên khai mạc ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân – Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, hoạt động bảo trợ xã hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương (NDBTT) là một trong những ưu tiên của Quỹ trong những năm gần đây. Theo đó, Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung đã luôn là bạn đồng hành với mục đích đảm bảo công bằng xã hội cho toàn xã hội, trong đó có NDBTT.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân hy vọng, thông qua Hội thảo mà hai bên cùng tổ chức, nhiều khuyến nghị và giải pháp cụ thể sẽ được đưa ra nhằm chung tay giúp cải thiện đời sống của người dân, thực hiện tốt bảo trợ xã hội cho tất cả mọi người, đặc biệt NDBTT.
Phát biểu tại đây, Trưởng đại diện Quỹ Rosa Luxembourg tại Việt Nam Lillian Dahmen Danso cho rằng, mục tiêu trong hoạt động này của Quỹ tại Việt Nam là làm thế nào để tạo ra những tác động lâu dài đến NDBTT, mang lại những giải pháp thực hiện công bằng xã hội và hòa nhập đầy đủ cho nhóm người này. Bà Lillian Dahmen Danso tin tưởng, Hội thảo là cơ hội quý để trao đổi với Việt Nam để có thể thiết lập được mạng lưới trong khu vực cùng đóng góp cho công tác này.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: H.T) |
Trong báo cáo dẫn đề Hội thảo, ông Đồng Huy Cương đến từ Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cũng nhấn mạnh, thúc đẩy bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu cho mọi người dân, trong đó có NDBTT là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế (trong đó có Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á... và các tổ chức phi chính phủ).
Ông Đồng Huy Cương cũng cho biết, trong những năm qua, đã có rất nhiều những hoạt động được tổ chức để cải thiện việc trợ giúp nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn đến việc nhận thức về nhóm người này còn nhiều hạn chế. Mặt khác, hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội của nước ta còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và có xu hướng loại trừ đối với một số NDBTT.
Vì vậy, Hội thảo này được tổ chức trong hai ngày với mục đích góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội cho nhóm dễ bị tổn thương; khuyến khích và tăng cường sự tham gia của toàn xã hội trong việc trợ giúp xã hội đối với NDBTT, huy động các nguồn lực về tài chính và con người, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường trợ giúp cho NDBTT ở Việt Nam.
Tại đây, các đại biểu cùng nhau thảo luận về khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách của Việt Nam, cũng như của Đức, về việc trợ giúp xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương; và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, những mô hình hay của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và trong khu vực. Qua đó, các cơ quan hoạch định chính sách cũng sẽ có thêm những thông tin cần thiết để giúp cho công tác lập pháp, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội ngày càng tốt hơn.
Hiện nay số người thuộc nhóm dễ bị tổn thương chiếm hơn 20% dân số cả nước. Trong đó có khoảng 9,2 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 5% hộ nghèo, 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, 204 nghìn người nghiện ma tuý và khoảng 30 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình. (Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) |