Cơ hội tốt cho các doanh nghiệp
Khi triển khai đến các tỉnh, thành phố nào dù ở miền Trung, trên Tây Nguyên, TP. HCM hay đồng bằng sông Cửu Long, dự án VPS cũng được các doanh nghiệp và tổ chức hội nghề nghiệp địa phương nhanh chóng đón nhận như là công việc của mình.
Tại TP. HCM, ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố cho biết: Hội đánh giá cao Dự án xúc tiến kinh tế đối ngoại VPS của Báo TG&VN. Theo ông, dự án này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế đối ngoại, phần kinh tế có quan hệ hữu cơ mật thiết không thể thiếu được của mỗi doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Qua dự án, hình ảnh thương hiệu, hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp được giới thiệu tới 150 nền kinh tế trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Huê, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Sài Gòn lại có một nhận xét khá cụ thể: "Với phí tham gia Dự án chỉ có vỏn vẹn 10 triệu đồng mà tên tuổi, thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp được quảng bá tới các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư, các CEO của trên 100 nước và vùng lãnh thổ thì quả là rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi chưa có mặt hàng xuất khẩu nhưng thấy cũng cần phải tham gia, để tạo mối giao thương, phát triển làm ăn với cộng đồng quốc tế", bà Huê nói.
Tại Bình Phước, "Thủ đô” của cao su và điều, khi đại diện Ban tổ chức Dự án VPS tới làm việc với Hội Doanh nghiệp Trẻ (DNT), ông Bùi Xuân Biên, Chánh Văn phòng Hội đã không chỉ thể hiện lòng hiếu khách mà còn năng động, nhanh nhạy bắt nhịp ngay vào Dự án. Ông Biên cho biết, trước khi làm việc với đoàn, ông đã nghiên cứu khá kỹ các tư liệu, văn bản về Dự án VPS, đã xem các băng đĩa ghi hình, các chương trình truyền hình của VTV1, HTV7 nói về dự án… trên cơ sở đó, có ý kiến tư vấn xác đáng cho Hội và UBND tỉnh. Hội DNT Bình Phước dự kiến đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại cho 35 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia Dự án VPS.
Cũng như Lãnh đạo Hội DNT các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Đắc Lắc, Bình Dương, Tiền Giang…, bà Võ Thị Mượt, Chủ tịch Hội DNT Tây Ninh cho rằng, Dự án VPS triển khai tới địa phương là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại, các doanh nghiệp nên mạnh dạn tham gia. Ở không ít địa phương, nhiều doanh nghiệp đã có những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên việc xây dựng, quảng bá, nâng cao uy tín thương hiệu trên quy mô rộng ngoài nước đến nay vẫn chưa làm được. Những hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại như Dự án VPS là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu với sự hỗ trợ của chính quyền.
UBND Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Hội thảo "Xây dựng và phát triển thương hiệu" do tỉnh Bình Phước tổ chức mới đây, khi được hỏi về công tác xúc tiến thương mại và sự hỗ trợ của UBND tỉnh đối với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã dành một khoản kinh phí khá lớn cho công tác xúc tiến thương mại. Nguồn kinh phí này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa có lợi thế cạnh tranh; Đồng thời, giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư của Bình Phước ra thị trường trong nước và ngoài nước. " Các doanh nghiệp cần có ý thức chủ động quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với hình ảnh doanh nghiệp. Mặt khác, Hội DNT phải chủ động tư vấn, đề nghị, trên cơ sở đó UBND Tỉnh sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia dự án xúc tiến thương mại, chứ không phải hỗ trợ bất kỳ " - ông Lợi nói.
Quả thật sự hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại sẽ luôn là cú hích có tác động rất lớn đối với đối với doanh nghiệp. Nó tạo sự thân thiện, tin tưởng của doanh nghiệp đối với chính quyền trên mỗi chặng đường phát triển kinh doanh sản xuất. Những khó khăn của doanh nghiệp được coi là khó khăn của chính chính quyền cùng các cơ quan quản lý chức năng. Và điều đó sẽ góp phần tạo nên những hình ảnh mới về địa phương, vì doanh nghiệp giàu thì tỉnh mới mạnh.
Bùi Quý Toản