📞

Xây dựng đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Mai Phương 17:44 | 12/10/2024
Đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ là một trong những lực lượng nòng cốt trong xây dựng cơ sở vật chất. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, với nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân, đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, ngày 11/10.

Doanh nhân - một lực lượng nòng cốt của nền kinh tế

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Đảng ta khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Họ không chỉ là những người tạo ra giá trị kinh tế thông qua việc vận hành và phát triển các doanh nghiệp mà còn đóng góp trên nhiều phương diện cho xã hội và đất nước.

Doanh nhân thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình góp phần tạo ra hàng triệu công việc cho người lao động, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân. Khu vực kinh tế tư nhân tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng vào GDP của quốc gia, giúp tăng trưởng kinh tế và khuyến khích đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, lao động có việc làm nước ta đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn; với số lao động có việc làm ở khu vực thành thị khoảng 19,0 triệu người, tăng 1,8% (tương ứng tăng 331,8 nghìn người), lao động ở khu vực nông thôn khoảng 32,3 triệu người, tăng 1,1% (tương ứng tăng 351,1 nghìn người). Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP của cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước. Khu vực này cũng đóng góp tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Doanh nhân Việt Nam đóng góp gần 70% vào GDP quốc gia, 80% trong tổng thu ngân sách, trong đó nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhiều doanh nhân tham gia vào công tác từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, cải thiện đời sống cho những người khó khăn, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Đại dịch COVID-19, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế - xã hội, chung tay cùng cả nước, đội ngũ doanh nhân đã có nhiều hoạt động, công tác xã hội đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời đại 4.0

Ra đời từ đầu thế kỷ XXI, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự gắn quyện giữa các nền công nghệ làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học thông qua các công nghệ nền tảng: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học hiện đại… Phát triển lực lượng lao động Việt Nam hiện nay trong đó có đội ngũ doanh nhân ngang tầm với các trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại; đủ điều kiện đảm nhiệm sứ mệnh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của Đảng và nhân dân trong thời kỳ mới.

Doanh nhân trong thời đại này cần có nhiều phẩm chất, năng lực. Đó là: tư duy chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng; có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, biến động của thị trường; cần chủ động sáng tạo và đổi mới, cải tiến quy trình để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng; kỹ năng lãnh đạo, quản lý và dẫn dắt đội ngũ, tạo động lực làm việc cho nhân viên... Do đó, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân “có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Họ là những người điều hành không chỉ về mặt kinh tế mà còn tạo ra những tác động tích cực đối với cộng đồng và xã hội. Do đó, việc “xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có năng lực và đạo đức kinh doanh, chăm lo đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có khả năng hội nhập và cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế” là nhiệm vụ quan trọng.

Đảng ta đặt ra yêu cầu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”[5]. Để thực hiện được yêu cầu của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần có giải pháp tổng thể. Cụ thể:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nhân, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm thủ tục hành chính, cung cấp hỗ trợ về tài chính và công nghệ. Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ cao, phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong thời đại 4.0. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nhân và các tổ chức, doanh nghiệp có thể hợp tác, chia sẻ nguồn lực và thông tin. Nhà nước cần khuyến khích các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, tạo ra các quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Doanh nhân thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình góp phần tạo ra hàng triệu công việc cho người lao động, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân. Hình minh họa. (Ảnh: Việt Hùng)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp) cần tích cực phát huy vai trò đại diện, cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động. Đặc biệt, cần tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hội viên để phản ánh tới các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; phát huy phản biện xã hội trong xây dựng chính sách. Đồng thời, khuyến khích các doanh nhân thành đạt, nhiều kinh nghiệm tham gia các hoạt động chia sẻ, truyền cảm hứng, đào tạo các thế hệ doanh nhân trẻ để xay dựng và phát triển đội ngũ. Chú trọng tôn vinh, động viên và lan tỏa tinh thần doanh nhân tới cộng đồng; kiến nghị xử lý những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nhân Việt Nam.

Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Các bộ, ngành liên quan cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị dựa trên sản phẩm có lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, “cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy nhanh quá trình tiếp cận khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững”[6]. Việc kết nối với các tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục cũng giúp doanh nhân cập nhật thông tin và xu hướng thị trường, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tham gia sâu và làm chủ nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho doanh nhân. Các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường; thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế và hình ảnh doanh nhân Việt Nam.

Có chính sách khuyến khích đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng kinh tế - xã hội. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục có chính sách khuyến khích doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng Tổ quốc thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Quan trọng hơn cả là tạo điều kiện cho việc đầu tư từ các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn và giảm bớt thủ tục hành chính để khuyến khích, thu hút các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng trong nước. Mặt khác, cần khuyến khích hoạt động để kết nối doanh nhân, tạo ra các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư; cung cấp thông tin về thị trường, cơ hội đầu tư, và tư vấn pháp lý cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khi họ muốn trở về hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tôn vinh và ghi nhận đóng góp của những doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội trong nước. Đồng thời, khuyến khích các doanh nhân chuyển giao công nghệ, mở rộng nghiên cứu và phát triển cũng như chia sẻ tri thức với các doanh nghiệp trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh.

(theo dangcongsan.vn)