📞

Xây dựng hình ảnh đẹp về người Việt trẻ ở châu Âu

An Lê 15:05 | 09/10/2021
Chia sẻ xung quanh câu chuyện kết nối sức mạnh và xây dựng hình ảnh người Việt trẻ, Chủ tịch Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu Nguyễn Thị Diệu Linh cho rằng, mỗi bạn trẻ cần phải ý thức rõ vai trò của mình giống như một “Đại sứ” đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và thế giới.
Các trí thức trẻ đại diện Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu chào đón chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quân sự Bỉ, tháng 9/2021. (Ảnh: NVCC)

Tháng Chín vừa qua, Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu được thành lập. Là Chủ tịch đầu tiên, chị có thể chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này?

Có thể nói, sự ra đời của Liên hiệp Hội chính là kết quả khởi nguồn từ sự hình thành của các câu lạc bộ thanh niên, hội thanh niên, sinh viên vào những năm 1990 (tại Pháp, Czech và Ba Lan), đầu những năm 2000 (ở Hungary, Ba Lan, Romania, Hà Lan, Bỉ) và tiếp đến 10 năm trở lại đây (ở Đức, Áo, Italy).

Sau rất nhiều sự kiện, chương trình, phong trào của thanh niên, sinh viên các thế hệ tại châu Âu với sự đoàn kết, gắn bó thông qua các hoạt động sôi nổi đã tạo thành một kênh kết nối riêng mạnh mẽ.

Theo hành trình phát triển đó, với sự ủng hộ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt tại các nước sở tại cũng như các bộ, ban, ngành liên quan, Liên hiệp Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu đã chính thức thành lập sau gần hai năm “thai nghén”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ 4:

"Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam".

Liên hiệp Hội ra đời với mong muốn làm cầu nối, tập hợp và đoàn kết các thanh niên, sinh viên người Việt và gốc Việt ở châu Âu để cùng hỗ trợ lẫn nhau, hội nhập sâu rộng ở nước sở tại và có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Những kế hoạch nổi bật mà Liên hiệp Hội sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp những người Việt trẻ có thể hòa nhập tốt nhất, cũng như gìn giữ văn hóa và tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài?

Những kế hoạch nổi bật của chúng tôi trong thời gian tới là xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo tại châu Âu, tổ chức thành công Diễn đàn Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn châu Âu - InnoCity 2021 cùng Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan và Hội trại Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu ở Đức vào năm 2022.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn thiết lập được một nền tảng về cơ hội việc làm, tổ chức sự kiện và các khóa học đào tạo cho thanh niên, sinh viên từ các chuyên gia trí thức trẻ, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, du lịch và ẩm thực tại các nước châu Âu, phối hợp với hội đoàn, doanh nghiệp tham gia các hoạt động mang tính hội nhập, giữ gìn phát triển văn hóa Việt Nam.

Thanh niên kiều bào Việt Nam tại Czech trao tặng đồ dùng thiết yếu cho đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện Motol Praha trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Các nước châu Âu luôn là môi trường học tập và phát triển sự nghiệp lý tưởng với nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam. Liên hiệp Hội sẽ làm gì để có thể kết nối và phát huy sức mạnh từ nguồn lực trí thức này?

Với tinh thần đoàn kết, Liên hiệp Hội hiện có các thành viên ở khắp các nước châu Âu. Mỗi nước như một đầu cầu quan trọng để triển khai các hoạt động chung. Từ đây, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các hội thanh niên, sinh viên tại các nước để lên các chương trình phù hợp với điều kiện từng nước.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp hoặc tổ chức các sự kiện trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, Liên hiệp Hội sẽ kết nối, hỗ trợ học tập và tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp nhằm giúp đỡ tốt nhất cho các sinh viên Việt Nam tại châu Âu.

Hơn nữa, các kênh thông tin trao đổi giữa các hội thanh niên, sinh viên với Liên hiệp Hội sẽ góp phần giúp hiểu rõ và sâu rộng hơn về nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và phát huy nguồn lực của thanh niên, sinh viên ở mỗi nước.

Chị đang sinh sống tại Czech và cũng kiêm luôn vai trò Chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam ở đây?

Đúng vậy! Tôi sang Czech từ nhỏ, học cấp hai rồi tốt nghiệp đại học và lập gia đình tại đây. Có lẽ, như một cái duyên, nên tôi tham gia hoạt động thanh niên, sinh viên từ rất sớm và giữ cương vị Chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Czech trong nhiều năm.

Tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn trẻ ở đây những kinh nghiệm trong cuộc sống, tạo được sự kết nối giữa các bạn trẻ thế hệ hai, ba với các du học sinh để cùng hỗ trợ nhau. Đặc biệt, là giúp các bạn tìm những người đồng cảm, có thể chia sẻ để giảm bớt sự chênh vênh của cuộc sống xa nhà.

Chủ tịch Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu Nguyễn Thị Diệu Linh. (Ảnh: NVCC)

Có thời gian gắn bó lâu dài như vậy, hẳn các hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên mang lại rất nhiều ý nghĩa với chị?

Sinh sống và làm việc tại Czech nhưng không lúc nào tôi vơi đi nỗi nhớ quê nhà, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đã gần hai năm chưa được về thăm quê, tôi luôn luôn đau đáu mong sớm có ngày được trở về bên mẹ, để thưởng thức những món ăn mẹ nấu và ngồi sau xe của mẹ để hít hà những hương vị quen thuộc gắn bó với tuổi thơ của mình.

Chính nỗi nhớ gia đình và quê hương đã thôi thúc tôi tham gia nhiều hoạt động nhằm gắn kết học sinh, sinh viên và người Việt đang làm việc tại đây.

Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động như Hội trại Thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu, các hoạt động hướng nghiệp và quảng bá văn hóa Việt Nam tới người bản xứ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng tôi cùng rất nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động ý nghĩa để quyên góp ủng hộ gửi về Việt Nam.

Điều đọng lại trong tôi nhiều nhất khi làm chương trình cho các bạn trẻ là những nụ cười, giọt nước mắt, sự bịn rịn không muốn ra về sau khi kết thúc.

Tôi biết, có rất nhiều bạn trẻ đã dần thoát khỏi nỗi cô đơn, khó khăn ở xứ người và quay lại hỗ trợ chúng tôi. Qua đó, tôi càng thấy rõ hơn sự gắn kết của cộng đồng người Việt ở nước ngoài và biết rằng, dù ở đâu, thì hai tiếng quê hương vẫn luôn khắc sâu trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Chị có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của ý thức xây dựng hình ảnh đẹp về người Việt trẻ ở nước ngoài?

Theo tôi, những người Việt trẻ ở nước ngoài trước tiên có nhiệm vụ hội nhập, học tập nghiên cứu và làm việc thật tốt để, trước hết khẳng định được vị trí tốt đẹp của mình với người dân bản địa.

Trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, người Việt trẻ tại châu Âu phải luôn chủ động trong tiếp cận công nghệ và tri thức thế giới. Bên cạnh đó, cần phải đề cao việc giữ gìn bản sắc dân tộc khi sinh sống, học tập ở nước sở tại.

Đặc biệt, mỗi cá nhân trí thức, người Việt, người gốc Việt trẻ tại châu Âu phải ý thức rõ được vai trò của mình giống như một “Đại sứ” đóng góp cho quan hệ và hợp tác phát triển giữa Việt Nam với châu Âu và thế giới. Là một trong những cây cầu quan trọng giúp Việt Nam phát triển hùng cường!

Xin cảm ơn chị!