Nhỏ Bình thường Lớn

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái (kỳ I): Vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường

Xu thế phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh hoặc KCN sinh thái và thúc đẩy sản xuất sạch hơn tại Việt Nam đang trên đà phát triển.
Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh thuộc Tập đoàn An Phát Holdings
Các khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI. Hình ảnh Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh thuộc Tập đoàn An Phát Holdings. (Nguồn: An Phát Holdings)

Mô hình KCN sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm chất thải, giảm lãng phí tài nguyên, giảm thiểu rủi ro, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh.

Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ KCN sinh thái là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường.

Tiêu chí lựa chọn của nhà đầu tư FDI

Trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam trong chuyến đi thực tế dành cho báo chí về chủ đề “Chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái” ngày 21/8 tại Hải Dương và Hải Phòng, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định, việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái (kỳ I): Vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: L.C)

Về định hướng phát triển KCN gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng, thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư.

Các nhân tố tác động mạnh tới Việt Nam sẽ là: Xoay trục địa chính trị trong chiến lược ngoại giao của các nước lớn; xu hướng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững); tái sắp xếp chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; hình thành chuỗi cung ứng mới; gia tăng cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư; thiết kế chính sách riêng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi có giá trị gia tăng lớn hoặc nâng cao vị thế quốc gia.

Song song với đó, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao; đồng thời đã thành công xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc hàng đầu thế giới.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế nhận thấy, đây chính là những yếu tố vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh”, bà Hiếu nói.

Việt Nam đã thí điểm KCN sinh thái

Bà Hiếu thông tin, thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam.

Trong giai đoạn năm 2015-2019, sáng kiến KCN sinh thái được triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).

Đến nay, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết, các hoạt động thí điểm thực hiện KCN sinh thái đã đạt được kết quả tích cực như: Phổ biến khái niệm, đặc điểm, lợi ích của mô hình KCN sinh thái tới các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các KCN thí điểm và các doanh nghiệp tham gia dự án; mô hình KCN sinh thái lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái và nhân rộng mô hình này; các doanh nghiệp tham gia đã được hưởng lợi từ các kết quả cụ thể, góp phần nâng cao tính cạnh trạnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Từ năm 2020 đến 2024, với nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 4 KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng) và Hoà Khánh (Đà Nẵng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển mô hình KCN sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định trên đã kế thừa các quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái; tiêu chí xác định; các ưu đãi; trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Đặc biệt, bên cạnh việc hướng dẫn chuyển đổi các KCN sinh thái, Nghị định khuyến khích, định hướng việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp và có ưu đãi để khuyến khích phát triển KCN sinh thái mới như không áp dụng tỷ lệ lấp đầy đối với mô hình KCN này.

Ngoài ra, Nghị định cũng làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc định hướng và hỗ trợ triển khai các KCN sinh thái tại địa phương; đơn giản hóa các điều kiện, tiêu chí và thủ tục chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; quy định việc thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái trên hệ thống thông tin về KCN, KKT theo định hướng chuyển đổi số.

Một trong những điểm mới được đánh giá là tiến bộ của Nghị định 35/2022/NĐ-CP là đã bổ sung các quy định để đảm bảo điều kiện an sinh xã hội cho người lao động làm việc trong KCN.

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái (kỳ I): Vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường
Hệ sinh thái tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). (Ảnh: Linh Chi)

Giai đoạn 2024-2028, trên cơ sở các kết quả tích cực trong triển khai mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, chính phủ Thụy Sỹ đã cam kết tiếp tục cùng UNIDO đồng hành với Việt Nam đẩy mạnh triển khai KCN sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn.

Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" với tổng vốn hỗ trợ 3,6 triệu USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phê duyệt tháng 8/2024, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện KCN sinh thái tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Long An trong giai đoạn 2024-2028.

Bà Vương Thị Minh Hiếu khẳng định: “Việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam”.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế lấy ví dụ về KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) của Công ty cổ phần Shinec. Tại đây, nhà đầu tư đã sử dụng nguồn vốn của mình để tự triển khai mô hình KCN sinh thái. KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn…

Mời độc giả đón đọc kỳ II: Hành trình dài, chông gai, cần thêm nhiều nỗ lực

Đưa Hải Phòng trở thành một 'thành phố xanh' dựa trên cơ sở nền 'kinh tế xanh, bền vững'

Đưa Hải Phòng trở thành một 'thành phố xanh' dựa trên cơ sở nền 'kinh tế xanh, bền vững'

Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, TP. Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc ...

Việt Nam-Australia: Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế xanh và năng lượng tái tạo

Việt Nam-Australia: Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế xanh và năng lượng tái tạo

Ngày 6/5, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm đã gặp Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Thương mại và du lịch Australia Don ...

Chuyển đổi xanh ở doanh nghiệp - cần thay đổi từ tư duy

Chuyển đổi xanh ở doanh nghiệp - cần thay đổi từ tư duy

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một hành trình dài với nhiều khó ...

VEPR: Xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội

VEPR: Xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội

Sáng 20/6, hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 với chủ đề "Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền ...

CIEM: Cần tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc đổi mới sáng tạo xanh

CIEM: Cần tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc đổi mới sáng tạo xanh

Sáng ngày 26/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Đại sứ quán Đan ...