Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học xây dựng thương hiệu cá nhân dành cho các vận động viên thể thao đỉnh cao Việt Nam do Hội Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam và Công ty CP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương phối hợp tổ chức, ngày 25/9, tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, các đại biểu chỉ rõ thực tế Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và quản trị thương hiệu cá nhân một cách bài bản cho các vận động viên thể thao thành tích cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào các vận động viên thể thao thành tích cao cũng không có sự hỗ trợ để tiếp cận các vận động viên một cách chủ động và hiệu quả. Vì vậy, thể thao Việt Nam chưa có những ngôi sao thực sự “tỏa sáng”, đúng nghĩa hay có “thương hiệu” bền vững, để tạo ra những biểu tượng khiến cộng đồng ngưỡng mộ muốn noi theo.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: TT) |
Bên cạnh đó, việc duy trì thành tích của các vận động viên đỉnh cao của Việt Nam vẫn chưa ổn định, đời sống của các vận động viên thành tích cao vẫn chưa được cải thiện. Các môn thể thao thành tích cao cũng ít nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ cũng như của công chúng. Các vận động viên đỉnh cao, nhà quản lý cũng khó tiếp cận một cách chủ động với nguồn lực, cũng như kinh phí đầu tư của xã hội và hầu như không có chiến lược tiếp thị một cách bài bản để tìm được các nhà đầu tư bền vững lâu dài và ổn định.
Theo ông Lê Quý Phượng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục thể thao, Chủ tịch Hội khoa học thể thao Việt Nam, những David Berkham hay Micheal Phelps đã phải nỗ lực tuyệt đối nhiều năm liền để trở thành biểu tượng của thương hiệu. “Những gì họ đã làm là cam kết trở thành một trong những thương hiệu tốt nhất thế giới”, ông Phượng nhấn mạnh.
“Cạnh tranh là một phần tự nhiên của cuộc sống và cách bạn chọn để điều hướng cạnh tranh trong môn thể thao của bạn sẽ thu hút các nhà tài trợ và đối tác theo cùng một con đường như bạn muốn cộng tác và giúp bạn xây dựng thương hiệu”.
Thương hiệu cá nhân cũng phải được đặt ở vị trí nổi bật sao cho dễ dàng nhận dạng và phát huy sức mạnh và giá trị độc đáo của thương hiệu. “Sự nghiệp quần vợt Serena Williams đồng nghĩa với sức mạnh, sức chịu đựng và chiến thắng - Williams là người chiến thắng Wimbledon Grand Slam 2016”, ông Phượng ví dụ.
Bà Nguyễn Thu Hương, Á hậu Quý bà thế giới phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TT) |
Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Hương - Hoa khôi Thể thao Việt Nam 1995, Á hậu Quý bà Thế giới, Tổng Giám đốc Nam Hương Corp, người có nhiều gắn bó với thể thao Việt Nam và xây dựng thương hiệu đã chỉ rõ 7 yếu tố cốt lõi hình thành nên thương hiệu của một vận động viên thể thao thành tích cao phát triển bền vững. Đó là: phát hiện ra được tài năng thiên bẩm; Được đầu tư và dẫn dắt đúng hướng để tài năng được nuôi dưỡng, phát huy; Có môi trường phù hợp để phát triển và tài năng được tỏa sáng; Tìm được những đối tác hợp tác đúng đắn và đáng tin cậy; Có chiến lược đa dạng hóa năng lực cá nhân và thương hiệu cá nhân; Xác định được chiến lược hậu đỉnh cao đúng đắn; và Kiên trì bền bỉ theo đuổi chiến lược đã đề ra và triển khai một cách bài bản. Bên cạnh đó bà Thu Hương cũng đi sâu phân tích 12 bước xây dựng thương hiệu cá nhân cho một vận động viên thể thao thành tích cao.
Các đại biểu và chuyên gia cho rằng, thông qua Hội thảo này, các nhà quản lý, vận động viên có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, từ đó tìm ra biện pháp và hướng phát triển hình thành nên thương hiệu của một vận động viên thể thao thành tích cao, phát triển bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền thể thao Việt Nam.
Tham dự hội thảo khoa học có: ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao; ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao; GS.TS Lê Quý Phượng, nguyên Tổng cục trưởng tổng cục thể thao, Chủ tịch Hội khoa học thể thao Việt Nam cùng ban lãnh đạo và thành viên của Tổng cục TDTT, Hội khoa học thể dục thể thao Việt Nam, các chuyên gia, HLV, VĐV thành tích cao quốc gia cùng các cơ quan thông tấn báo chí và các nhà tài trợ. |