TIN LIÊN QUAN | |
Nhiều nhà quản lý vẫn thờ ơ với văn hóa doanh nghiệp | |
Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng phát triển bền vững |
Tổng Giám đốc Nam Hương Corp Nguyễn Thu Hương |
Đó là chia sẻ của Á hậu Quý bà Thế giới, Tổng Giám đốc Nam Hương Corp Nguyễn Thu Hương với TG&VN về văn hóa doanh nghiệp nhân Ngày VHDN Việt Nam (10/11).
VHDN được thể hiện ở những khía cạnh nào trong hoạt động của mỗi DN, thưa chị?
Đó là cách lãnh đạo đối xử với nhân viên, nhân viên đối xử với nhau, DN đối xử với khách hàng và hành xử với xã hội. VHDN xuất phát từ chính tư duy của người chủ DN, từ thói quen, cách hành xử của người chủ. Một DN tùy quy mô lớn nhỏ, quan trọng nhất là chủ DN phải ý thức được rằng, VHDN chính là cốt lõi. Hãy hình dung, một DN cũng giống như một gia đình, người chủ DN cũng giống như cha mẹ vậy, họ cũng xây dựng văn hóa DN, là người làm gương cho nhân viên noi theo, cách hành xử, đạo đức kinh doanh của chủ DN hình thành nên văn hóa của DN đó.
Vậy VHDN và đạo đức kinh doanh có mối liên hệ như thế nào?
Đạo đức kinh doanh và VHDN cần phải hòa làm một, bởi khi đã nói đến văn hóa, tức là nói đến doanh nhân có trình độ, có đạo đức, trở thành một trong những tiêu chí để xếp hạng, đánh giá và tạo ra hình ảnh của DN đối với cộng đồng.
Một DN làm ăn bất chính, một DN sản xuất ra những sản phẩm không tốt, một DN mang lại hậu quả xấu cho xã hội, môi trường... thì không thể gọi là có văn hóa DN, có đạo đức kinh doanh.
Là một nữ doanh nhân thành đạt và dày dặn kinh nghiệm thương trường, chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về VHDN góp phần giúp DN hội nhập hiệu quả?
Có nhiều thứ về VHDN mà DN Việt Nam cần học hỏi DN nước ngoài. Thứ nhất, họ rất tôn trọng chữ tín, tìm hiểu kỹ đối tác, nghiên cứu DN đó có uy tín xã hội không, thương hiệu của DN như thế nào trên thị trường. Đó chính là một nét văn hóa của DN, là yêu cầu bắt buộc khi họ tiếp cận thị trường. Còn DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ, thì hay cảm tính, ít khi làm khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng, thường đưa ra quyết định theo tình cảm yêu thích, quen biết.
Người lãnh đạo DN nước ngoài, nhất là các nước phát triển hơn, họ có chiến lược, có tầm nhìn còn ở Việt Nam, lãnh đạo DN theo chiến thuật, linh động, uyển chuyển nên có thể có được kết quả trong ngắn hạn nhưng về chiến lược mục tiêu dài hạn thì khó có thể đạt được. Với DN nước ngoài, họ đặt mục tiêu dài hạn, có thể trong ngắn hạn có khó khăn, nhưng với chiến lược đúng đắn, họ sẽ đạt được thành công và phát triển bền vững. Đó chính là VHDN của mỗi DN.
Nếu như DN Việt Nam kết hợp được cả tính chiến thuật vốn có, am hiểu thị trường và chiến lược mục tiêu dài hạn thì sẽ đi nhanh hơn, hiệu quả hơn, tính cạnh tranh được nâng cao. Khá nhiều DN Việt Nam đã làm được điều này, như Vingroup chẳng hạn. Tránh việc chỉ có chiến thuật mà thiếu đi tính chiến lược mục tiêu.
Với vai trò là chuyên gia tư vấn chiến lược và truyền thông, chị có lời khuyên nào với các DN trong việc xây dựng VHDN?
Đây là một điều khiến tôi rất trăn trở. Là một người nghiên cứu về xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi thấy rằng, văn hóa DN được hình thành từ mỗi cá nhân người chủ DN đó, từ đó sẽ tác động đến các thành viên trong DN. Mỗi cá nhân trong DN có ý thức về thương hiệu cá nhân của mình gắn với tổ chức, ý thức về VHDN và xây dựng được hình ảnh của mình gắn bó trực tiếp với thương hiệu của tổ chức và ngược lại, thương hiệu của tổ chức cũng làm nên thương hiệu cá nhân thì DN đó và văn hóa của DN sẽ trở nên bền vững.
Ví dụ, một cá nhân nào đó nói xấu về nơi làm việc của mình, điều đó tương đương với việc bạn sẽ rất khó tìm được việc làm trong DN kế tiếp, bởi vì không một DN nào muốn có một nhân viên nói xấu chính nơi đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho mình.
Vì vậy, người chủ DN cần trang bị kiến thức cho nhân viên, thúc đẩy lòng tự hào của nhân viên về nơi mình làm việc, nói tốt về nơi mình làm việc, khi đó, giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa của DN càng được nâng lên. Đó là chiến lược đồng thương hiệu. Một DN có văn hóa là một DN mạnh, điều đó có nghĩa là niềm tự hào của các nhân viên về DN rất lớn, nhân viên luôn có ý thức xây dựng tổ chức của mình ngày càng lớn mạnh hơn. Đứng trong một tổ chức mạnh thì mỗi cá nhân đều mạnh. Chiến lược cần bắt nguồn từ bức tranh tổng thể, lãnh đạo DN và nhân viên đều cần nhau, cùng hợp tác và cùng phát triển, cùng trân trọng nhau.
Được biết hiện chị là Chủ tịch sáng lập và điều hành cộng đồng doanh nhân Bsin và Wlin, chị có thể cho biết văn hóa mà chị xây dựng trong cộng đồng này là gì?
Với Wlin, mạng lưới dành cho các nữ lãnh đạo DN, văn hóa xây dựng cho cộng đồng này là tinh thần phục vụ và tôn vinh. Mỗi người trong Ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ có tinh thần phục vụ các thành viên như những khách hàng tiềm năng, tôn vinh những cá nhân có đóng góp cho tổ chức. Mỗi thành viên đều là các nữ doanh nhân, nên mọi người đều có thể là khách hàng, đối tác của nhau. Vì thế, cần mang tinh thần chăm sóc, coi nhau như khách hàng tiềm năng và luôn trân quý mối quan hệ này.
Bên cạnh đó, Wlin hướng tới “tinh thần chuỗi ngọc trai tỏa sáng”, mỗi thành viên đều ý thức mình là một viên ngọc quý, giúp nhau cùng tỏa sáng. Đối với Bsin dành cho nam doanh nhân, tôi muốn xây dựng một văn hóa cuối tuần gặp nhau, kết nối và thành công, thay bằng văn hóa chiều nhậu nhẹt thì Bsin giúp các doanh nhân có không gian để kết nối, giúp đỡ nhau, học thêm điều mới chứ không chỉ là nơi “chém gió”.
Xin cảm ơn chị!
Vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Lễ phát động "Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" và công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam sẽ ... |
Văn hóa - tài sản lớn của doanh nghiệp Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được khẳng định có sức mạnh lớn trong phát ... |
Văn hóa doanh nghiệp là “yếu tố vàng” quyết định thành công Đó là nhận định của các diễn giả về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh tại Hội thảo “Xây dựng văn ... |