📞

Xóa bỏ lực cản liên kết vùng

10:00 | 08/04/2016
Đã đến lúc phải sử dụng nguồn lực hợp lý để giải quyết bài toán kinh tế - xã hội, môi trường mà từng địa phương khó có đủ năng lực để giải quyết. Nếu không có liên kết vùng thì sẽ không thể giải quyết được nhiều vấn đề.

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đồng tình trong Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở 9/13 tỉnh thuộc ĐBSCL cho thấy không thể chậm trễ hơn nữa trong việc thực hiện liên kết vùng. (Ảnh minh họa)

63 tỉnh thành, 63 nền kinh tế

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã dùng từ “kỳ dị” để mô tả về hiện trạng liên kết vùng hiện nay vì “chỉ nằm cạnh nhau, không ôm nhau, không làm gì”. Nền kinh tế quốc gia đang được cấu thành từ 64 nền kinh tế giống hệt nhau nhưng lại độc lập với nhau. Đó là 63 nền kinh tế địa phương cộng với một nền kinh tế trung ương.

Ông Thiên phân tích, nền kinh tế của Việt Nam hiện được tổ chức theo đơn vị “tỉnh”, các tỉnh độc lập với nhau về quyền lực điều hành và lợi ích trên cả hai tuyến quản lý hành chính và ngân sách. Về mặt quản lý nhà nước, hầu như chỉ tồn tại mối liên hệ “dọc” trung ương - địa phương. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mối liên hệ dọc này tạo thành cốt lõi của cơ chế “xin-cho”. Hoạt động kinh tế của các tỉnh gần như độc lập với nhau, từ góc nhìn nhà nước có thể coi là biệt lập nhau. Và chính hai đặc điểm này đang hình thành nên trạng thái “kỳ dị” của nền kinh tế.

Theo ông Thiên, hệ thống tổ chức kinh tế theo lãnh thổ như vậy đang bộc lộ ngày càng rõ các nhược điểm nội tại, cố hữu, gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, tạo thành xu hướng đua tranh không lành mạnh, thậm chí là “cạnh tranh cùng chết”, “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh, thúc đẩy “chủ nghĩa thành tích ảo”. Theo đó, các địa phương đua nhau làm khu công nghiệp, cảng biển, đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách “hạ giá địa phương mình”, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn như tranh chấp phát triển cảng biển, không phối hợp kết nối giao thông hay “ngăn sông, cấm chợ” như chỉ tiêu thụ “bia tỉnh ta”, cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh… Xu hướng này đang trở nên phổ biến và gây ra những tổn thất to lớn ở tầm quốc gia.

Đồng quan điểm với TS. Trần Đình Thiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, để tối đa hóa lợi ích và nâng cao chất lượng tăng trưởng thì cần phải phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương chứ không phải cứ địa phương nào có lợi thế gì thì làm cái đó.

“Cần khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt về địa giới của 63 tỉnh, thành phố, cát cứ như 63 nền kinh tế thì không ổn chút nào”, ông Huệ lo lắng.

Cần có luật về liên kết vùng

Theo TS. Võ Đại Lược - Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh đang có quyền to quá nên xây dựng thể chế vùng đặt lợi ích kinh tế vùng lên trên lợi ích tỉnh là không hề đơn giản. Vì vậy, cần xây dựng luật về vùng và liên kết vùng, khi luật được Quốc hội thông qua sẽ có được thể chế vùng.

Đóng góp ý kiến, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, nên có nghị định về kinh tế vùng, trước hết là hai nghị định cho hai vùng có tính liên kết tốt nhất hiện nay là Duyên hải Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Về giải pháp lâu dài, TS. Trần Đình Thiên đề xuất, phương án triệt để nhất là lập ra 8-10 vùng hành chính - kinh tế độc lập. Về mặt quản lý nhà nước, vùng sẽ đóng vai trò của tỉnh hiện nay, đồng thời đưa tỉnh xuống thành cấp quản lý nhà nước trực thuộc vùng.

Lợi ích chiến lược dài hạn của phương án này nhằm xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh hiện nay, quy hoạch và phát triển vùng hiệu quả hơn nhờ tránh được chồng chéo, lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm.

“Tuy nhiên, việc thay đổi cấu trúc tổ chức hành chính – nhà nước không dễ dàng, luôn chứa đựng khả năng gây xung đột lợi ích nhóm một cách gay gắt. Lực lượng chống đối phương án này tại các địa phương là rất lớn do việc sáp nhập các tỉnh thành vùng chắc chắn sẽ gây tổn hại lợi ích của họ”, ông Thiên chia sẻ.

Để liên kết vùng thực sự phát huy hiệu quả, một mình Chính phủ không thể làm được mà cần phải thay đổi từ nhận thức. Chúng ta cần quên đi việc đánh giá bộ máy lãnh đạo của tỉnh thông qua các chỉ số kinh tế tổng hợp. Vấn đề là phải thực hiện phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy giữa trung ương và địa phương hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Muốn thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu, cần có một cơ chế điều phối vùng. Thúc đẩy điều phối vùng là vấn đề cấp thiết, có thể được thực hiện theo từng giai đoạn. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp giải quyết hiệu quả các thách thức về sự phân tán không gian theo các tỉnh như hiện nay và nâng cao hiệu quả đầu tư công, mang lại lợi ích to lớn cho quá trình phát triển bền vững phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông Carl Georg Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.