Nhỏ Bình thường Lớn

Xóm Việt kiều Campuchia

Trước đây, họ đều theo gia đình, ông bà sinh sống rải rác ở khắp nơi trên nước bạn Campuchia, hầu hết họ là người Việt chính gốc. Cuộc sống khó khăn, chiến tranh loạn lạc, lúc nào cũng phải đối mặt với ranh giới giữa cái chết và sự sống hết sức mong manh nên họ hồi hương và quy tụ lại thành xóm Việt kiều.

Hồi hương

Xóm nằm ở ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. 

Giữa cái nắng hừng hực của miền sơn cước, ông Trưởng ấp Trần Văn Tốt (Sáu Tốt) trên đường dẫn chúng tôi đến xóm Việt kiều vừa đi vừa trò chuyện...

Theo ông Sáu Tốt, khu vực ấp Ninh Phước trước kia là vùng kinh tế mới, đất đai còn hoang sơ lắm cho cũng không có ai thèm nhào vô ở. Nên từ lúc hồi hương về nước bà con Việt kiều phần lớn là tứ cố vô thân, kéo nhau về đây lập nghiệp, tự kiếm sống làm ăn từ những năm 1994.

Trước đây họ đều theo gia đình, ông bà sinh sống rải rác ở khắp nơi trên nước bạn Campuchia, hầu hết họ là người Việt chính gốc. Nhưng do cuộc sống khó khăn, chiến tranh loạn lạc, lúc nào cũng phải đối mặt với ranh giới giữa cái chết và sự sống hết sức mong manh nên họ hồi hương trở về”.

Trưởng ấp Sáu Tốt còn cho biết thêm: “Xóm Việt kiều này có đến 277 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu. Tuy mang tiếng là “Việt kiều” nhưng đời sống của người dân hiện nay chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ”.

Trở về nước từ những năm 1994, phần lớn trong số họ chỉ có duy nhất tờ giấy qua đồn trạm biên phòng để lận lưng. Chính vì lẽ đó, tuy là người Việt Nam nhưng do không có giấy tờ tuỳ thân nên mọi sinh hoạt đều hết sức trở ngại. Do đó, lúc bấy giờ ngoài công việc chính là đi làm thuê ra thì cư dân của xóm Việt kiều hoàn toàn không thể làm gì khác.

Vài năm sau, khi trở về nước chính quyền địa phương mới sắp xếp đứng ra bảo lãnh cho mỗi hộ vay ngân hàng 5 triệu đồng để tôn tạo nền nhà trong tuyến dân cư, tạo điều kiện cho từng hộ làm ăn. Cán bộ tư pháp xã Huỳnh Công Phước nói.

kieu2.jpg
Trưởng ấp Sáu Tốt đang ngồi trầm tư, nghĩ lại khoảng thời gian còn ở nước bạn

"Vui khi được công nhận là công dân Việt"

Sau hơn 10 năm hồi hương trở về nước, đến năm 2005, toàn bộ 277 hộ dân Việt kiều ở ấp Ninh Phước được Nhà nước giải quyết chuyện đăng ký làm hộ tịch, hộ khẩu công nhận là công dân Việt Nam.

Trưởng ấp Sáu Tốt dẫn chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Văn Suồi (SN 1962, nhà số 248, tổ 6, ấp Ninh Phước). Anh Suồi từ Campuchia trở về nước từ năm 1996. Anh Suồi có 8 anh, chị em đều theo cha mẹ qua Campuchia sinh sống từ nhỏ.

Trước kia cả nhà anh định cư ở xã Brechay, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandan, Campuchia. Cả gia đình sống chủ yếu nhờ vào nghề giăng lưới, móc câu, làm mắm. Lúc hồi hương về nước chỉ với 2 bàn tay trắng nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, chí thú làm ăn.

Giờ đây, sau nhiều năm sống ở quê nhà, gia đình anh Suồi là một trong số hàng trăm hộ dân Việt kiều có của ăn, của để khấm khá nhất làng. Vừa rót trà mời khách, anh Suồi hớn hở khoe với chúng tôi: “Mấy chú thấy đó trong nhà tôi như vầy là quá đầy đủ rồi từ tivi, đầu đĩa, xe cộ... mấy thứ này trước kia mơ còn không dám nghĩ đến chứ đừng hòng mà mua. Thú thật, vui nhất vẫn là được Nhà nước nhìn nhận mình là công dân Việt”.

Trưởng ấp Sáu Tốt cũng nằm trong số 277 hộ gia đình Việt kiều sinh sống ở Campuchia. Quê Sáu Tốt trước đây ở huyện Tân Châu, An Giang. Từ nhỏ đã theo cha mẹ qua huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandan, Campuchia sinh sống.

Sáu Tốt nhớ lại, ông kể: "Hồi trước ông bà già qua Campuchia sống bằng đủ thứ nghề nào là thuê đất để đào đìa thả cá, làm lưới, giăng câu, làm nghề ủ mắm để nuôi mấy anh em tụi tôi. Làm quần quật suốt ngày cực khổ là vậy nhưng cũng chỉ đủ ăn".

Cũng như hàng trăm hộ Việt kiều khác từ khi được Nhà nước cho nhập hộ tịch, hộ khẩu nhìn nhận là công dân Việt Nam, trưởng ấp Sáu Tốt vui như... mở cờ trong bụng. Gia đình ông là một trong những gia đình gương mẫu của “làng Việt kiều”, cả 3 người con của ông đều đang còn đi học.

Kể từ khi có giấy tờ tuỳ thân, Sáu Tốt vui ra mặt: “Lúc trước do không có giấy tờ gì cả nên muốn đi đâu, mua gì, làm gì cũng khó. Nay thì khác, năm nay cả nhà tôi mới vừa mướn thêm 50 công ruộng để tăng gia sản xuất”.

Theo VNN