Sự kiện trong khuôn khổ Dự án “Áp dụng Học thuyết vừa đủ (SEP) của Nhà Vua Rama 9 vào phát triển cộng đồng bền vững”, và là một trong những sự kiện đầu tiên Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (6/8/1976 - 6/8/2021).
Đại biện lâm thời Thái Lan tại Việt Nam Morakot Janemathukorn phát biểu tại thảo luận. (Ảnh: MH) |
Tham dự thảo luận có: Đại biện lâm thời Thái Lan tại Việt Nam Morakot Janemathukorn; Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Nguyễn Đình Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Văn Ngọc…
Phát biểu tại buổi thảo luận, bà Morakot Janemathukorn khẳng định: Sự kiện này đóng một vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan, trong đó lĩnh vực du lịch là điểm sáng. Cuộc thảo luận nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn sự đa dạng về văn hóa các dân tộc ở Thái Lan và tỉnh Thái Nguyên.
Toàn cảnh buổi thảo luận. (Ảnh: MH) |
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Việt chia sẻ: “Thái Nguyên nhận thấy một số địa phương của tỉnh có nhiều yếu tố để thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Các dân tộc thiểu số tại địa phương có nền văn hóa phong phú, có sự bảo tồn kiến trúc và môi trường khá tốt.
Theo ông Việt, hiện Thái Nguyên bước đầu cũng đã có một số lợi thế tiêu biểu trong việc phát triển du lịch bền vững như du lịch cộng đồng ở Bản Quyên (huyện Định Hóa), du lịch xanh tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, du lịch vùng chè đặc sản Tân Cương... Đây là những điểm sáng trong ngành du lịch của tỉnh, đã và đang thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.
Đặc biệt, tại sự kiện, tham luận của bà Ratiwan Boonprakhong - Giám đốc Văn phòng Đại diện của Tổng cục Du lịch Thái Lan và tham luận của ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã đề cập những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Đại biện lâm thời Morakot Janemathukorn chụp ảnh kỷ niệm với đại diện các đơn vị tham dự sự kiện. (Ảnh: MH) |
Theo các đại biểu, để phát triển du lịch cộng đồng, cần sự vào cuộc của cả 3 khối (khối Chính phủ, khối tư nhân - các công ty có khả năng phát triển du lịch cộng đồng khu vực đó và khối người dân bản địa).
Phải để những người dân bản địa được tham gia cả 3 phần (cùng suy nghĩ, cùng làm và cùng được hưởng thu nhập từ các dự án địa phương), nhưng không làm mất đi những nét đặc trưng bản địa.
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương cũng là giúp người dân trong cộng đồng ấy biết cách quản lý du lịch, bởi họ mới chính là chủ thể quản lý du lịch.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng khẳng định rằng, vai trò của Chính phủ trong phát triển du lịch cộng đồng bền vững là rất quan trọng.
Theo đó, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng khu vực nhằm thu hút du khách hay thực hiện những chương trình quảng bá trong và ngoài nước.