Nhỏ Bình thường Lớn

Mở rộng hợp tác quốc tế để xử lý bom mìn sau chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa, song bom mìn, vật nổ còn sót lại thực sự là một hiểm họa về nhiều mặt đối với đất nước và con người Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này cần mở rộng hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đầy đủ… Phó Chính ủy Binh chủng Công binh - Đại tá Lê Xuân Cát chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014).
Bộ đội công binh tập luyện tháo gỡ bom mìn.

Đại tá Lê Xuân Cát cho biết, chiến tranh đã lùi xa, song bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh thực sự là một hiểm họa về nhiều mặt đối với đất nước và con người Việt Nam. Không chỉ hạn chế diện tích đất sinh hoạt, đất canh tác, những vùng bị ô nhiễm bom mìn kém phát triển về kinh tế do các nhà đầu tư sợ rủi ro không dám đầu tư, bom mìn nằm rải rác còn tiềm tàng nguy cơ gây nổ bất cứ lúc nào, gây ra những đau thương mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, dò tìm, xử lý bom mìn sau chiến tranh, ổn định cuộc sống của nhân dân là việc làm hết sức cấp thiết, có tính nhân đạo. Tuy nhiên, để làm sạch hết diện tích ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam, chúng ta cần chi phí hàng chục tỷ USD và mất hàng trăm năm nữa nên đó cũng là vấn đề mang tính lâu dài, cần trách nhiệm của toàn xã hội.

Cũng theo Phó Chính ủy Lê Xuân Cát, những năm gần đây, mỗi năm Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho vấn đề này. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025 (gọi tắt là Chương trình 504), thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về vấn đề này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ làm sạch diện tích bị ô nhiễm bom mìn.

Ông Cát cũng cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Binh chủng Công binh đã tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chủ động đề xuất Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2015; tập trung “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc”; xây dựng Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và nâng cao năng lực của trung tâm quản lý dữ liệu trong vấn đề này. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về Chương trình 504, về thực trạng ô nhiễm và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh, binh chủng còn phối hợp với Trung tâm rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) và các tổ chức quốc tế trong tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình quốc gia cho cán bộ, nhân viên.

“Hiện nay, mỗi năm chúng tôi rà phá khoảng 100.000 ha, chủ yếu ưu tiên tiến hành trước những vùng bị ô nhiễm nặng, vùng đồng bào dân tộc, phục vụ dân sinh mở đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu đạt diện tích rà phá 500.000 ha trong 5 năm tới và sau năm 2015 sẽ triển khai các dự án rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn do bom mìn trên quy mô rộng hơn”, ông Cát nói.

Đại tá Lê Xuân Cát cũng khẳng định, để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đầy đủ hơn để tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là về huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu khoa học… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo của Chính phủ các nước trên thế giới, nhất là các nước đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam, các tổ quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.

Công binh là lực lượng quan trọng trong giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng chống các hoạt động khủng bố, rà phá bom mìn, vật nổ, xây dựng công trình, làm đường tuần tra biên giới, lao động sản xuất, kết hợp kinh tế - quốc phòng có hiệu quả... Những năm qua, lực lượng Công binh đã cùng các địa phương tháo gỡ hàng vạn tấn bom, mìn, giải phóng nhiều vùng rộng lớn để kiến thiết, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm và giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.



Nguyễn Kim