Nhỏ Bình thường Lớn

Xu hướng 2010 là M&A

“Khởi đầu chậm nhưng tăng tốc mạnh vào cuối năm. Toàn bộ giá trị và số lượng của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dường như tăng trưởng trở lại vào quý IV, tạo cơ sở lạc quan cho năm 2010" đó là nhận xét của PricewaterhouseCoopers Việt Nam về hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2009.

Chỉ tăng trưởng vào cuối 2009

 

Tuy giá trị của các giao dịch M&A thấp trong suốt nửa đầu năm 2009, nhưng đã tăng tích cực trong quý 4/2009, việc này đã đóng góp phần nhiều cho sự tăng trưởng chung của giá trị hoạt động M&A trong năm 2009 so với năm trước. Năm 2009 có 259 vụ M&A, với tổng giá trị hơn 1,1 tỉ USD, cao hơn 2% so năm 2008, nhưng sự tăng tốc của số lượng các giao dịch M&A rất đáng kể là 77% (tương đương 167 giao dịch).

 

Trái với một số thông báo cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2009, nhưng thực tế vẫn chưa ghi nhận được bất cứ giao dịch quan trọng nào. Điều này đã ảnh hưởng đến các giao dịch ở mức trung bình do các nhà đầu tư đã chuyển hướng tập trung vào các giao dịch ở mức vừa và nhỏ. Ngành công nghiệp chiếm gần ¼ các giao dịch, tăng 15% so với 2008. Tỷ lệ các giao dịch trong ngành năng lượng tăng từ 7% năm 2008 lên đến 17% trong năm 2009, trong khi đó ngành tài chính giảm từ 22% xuống 12%. Mặc dù có thêm nhiều giao dịch, nhưng tỷ lệ các giao dịch M&A trong ngành hàng tiêu  dùng vẫn giảm từ 10% xuống 7%.

 

Trong năm qua, xu hướng mới xuất hiện trong các tập đoàn đa ngành của Việt Nam chính là tái cơ cấu tổ chức, giảm đối thủ cạnh tranh nhỏ thông qua M&A và mở rộng hoạt động sang các ngành khác. Điều này dẫn đến một số lượng lớn các thương vụ M&A trong ngành công nghiệp, năng lượng và vật liệu. Sự suy giảm về số lượng các thương vụ M&A trong ngành tài chính phần lớn là do sự ảnh hưởng từ khủng hoảng toàn cầu, điều này có nghĩa là các tổ chức tài chính lớn khó có khả năng thực hiện các thương vụ M&A tại các thị trường như Việt Nam. Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty tư nhân lớn cũng như các công ty quốc doanh đang tìm kiếm các dự án để mở rộng kinh doanh trong khu vực bao gồm các dự án mua lại. Thông tin tại thời điểm này vẫn còn hạn chế nhưng vẫn rất đáng quan tâm vì đây có thể phát triển thành một xu hướng trong những năm sắp tới.

 

Triển vọng trong năm 2010

 

Mặc dù vẫn còn lo ngại về tính ổn định của đồng tiền nhưng giới kinh doanh Việt Nam cũng như các chuyên gia phân tích kinh tế đều chung cảm nhận mạnh mẽ rằng, những hệ quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự nóng lên quá mức của nền kinh tế trong nước đã lùi lại phía sau. 6% là mức tăng trưởng dự kiến của GDP Việt Nam trong năm 2010. Những yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng quá nhiều từ cuộc khủng hoảng hiện nay và trong thực tế, kết quả nghiên cứu gần đây của PricewaterhouseCoopers đưa ra kết luận rằng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn đứng đầu danh sách những thành phố có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong giai đoạn 2010-2025, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân tiềm năng là 7%/ năm.

 

Nghiên cứu "Các Xu hướng mới nổi trong thị trường Bất động sản tại khu vực châu Á Thái Bình Dương 2010" do PricewaterhouseCoopers và Viện Quản lý Đất đô thị (Mỹ) thực hiện cũng đưa ra kết luận rằng, các triển vọng đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh vẫn rất cao trong 2010. Về tổng thể, thành phố được xếp hạng thứ 3 trong khu vực về tiềm năng phát triển bất động sản, chỉ sau Thượng Hải và Mumbai.

 

PricewaterhouseCoopers dự kiến có sự tăng trưởng trong các thương vụ M&A ở tất cả các ngành nghề, trong đó các thương vụ giữa các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục tăng nhanh do các doanh nghiệp mạnh tìm kiếm các mục tiêu M&A để đầu tư. Các giao dịch trong nước mang tính chiến lược, cũng như các thương vụ vốn sở hữu tư nhân cũng được coi là những diễn biến, tạo nên xu hướng tích cực trong năm 2010.

 

Một sự kiện đặc biệt quan trọng, trong tuần đầu tiên của năm 2010, Chính phủ đã thông báo dự định khởi động lại tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Động thái này có thể đưa đến một số thương vụ có quy mô lớn trong năm nay. Một sáng kiến quan trọng khác, cũng có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với môi trường M&A là dự kiến sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước, do nhu cầu hợp lý hóa hoạt động và cải thiện năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại.

 

An Sinh(Theo PricewaterhouseCoopers)

Tin cũ hơn