📞

Xu hướng ly khai bao trùm EU?

09:00 | 06/11/2017
Việc xứ Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập có khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ly khai mới ở châu Âu.

Xứ sở bò tót đang trải qua những ngày sóng gió, khi ngày 27/10, xứ Catalonia đã tuyên bố tách mình ra khỏi Tây Ban Nha. Ngay cả khi nỗ lực lập quốc của chính quyền Barcelona sớm bị dập tắt trước phản ứng nhanh nhạy từ phía Madrid, sự kiện này đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) lo lắng. Không loại trừ khả năng việc Catalonia tuyên bố độc lập có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai âm ỉ tại nhiều khu vực khác như Venice, Lombardy (Italy), xứ Basque và Scotland.

Nguy cơ hiện hữu…

Thật vậy, Catalonia và các khu vực kể trên có rất nhiều điểm tương đồng. Những nơi này thường bị cách biệt với phần còn lại của đất nước về vị trí địa lý, văn hóa hay ngôn ngữ.

Người dân Catalonia đổ ra đường ăn mừng ngày 27/10. (Nguồn: Reuters)

Một ví dụ tiêu biểu là xứ Basque, một cộng đồng tự trị nằm ở khu vực bờ biển phía Bắc Tây Ban Nha, cũng đang mong muốn “nối gót” Catalonia tìm kiếm sự độc lập. Với ngôn ngữ và nền văn hóa riêng, người dân nơi đây luôn cảm thấy lạc lõng với phần còn lại của đất nước.

Tuy nhiên, khác với Catalonia, xứ Basque có một lịch sử ly khai bạo lực, với nhiều cuộc tấn công khủng bố từ phong trào ly khai Eta. Ngay cả khi hiệp định đình chiến vĩnh viễn được ký năm 2011, chủ nghĩa dân tộc ở khu vực này vẫn chưa chấm dứt. Mới đây, đảng Dân tộc Basque theo xu hướng độc lập đã hy vọng Basque có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như Catalonia.

Ở Italy, điều tương tự cũng đang diễn ra ở Venice và Lombardy. Hai khu vực nổi tiếng về sự giàu có và trù phú này đã tổ chức trưng cầu ý dân ngày 22/10 nhằm giành thêm quyền tự chủ từ Rome. Theo đó, có tới 98% người Venice được hỏi cho rằng chính quyền địa phương cần có thêm quyền hạn và 90% cho rằng các đạo luật về thuế phải thay đổi. Họ cho rằng nguồn thu nhập của mình đang chảy về những vùng nghèo ở phía Nam, thay vì được dùng đầu tư cho thành phố. Cần nhớ rằng Venice là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Italy, còn Lombardy đóng góp tới 20% GDP cho nền kinh tế của quốc gia hình chiếc ủng.

Cuối cùng, nổi bật trong số những khu vực mong muốn độc lập ở châu Âu là Scotland. Năm 2014, với sự phê chuẩn của Chính phủ Anh, Scotland đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, người dân quốc gia này vẫn chưa mặn mà với ý tưởng tách khỏi Vương quốc Anh.

Dẫu vậy, sau tiến trình Brexit và sự kiện ở Catalonia vừa qua, mọi chuyện có thể sẽ khác. Thủ hiến Scotland, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đường lối độc lập, bà Nicola Sturgeon, cho rằng cộng đồng quốc tế cần tôn trọng quyết định của người Catalonia, nhưng cũng cho rằng chính quyền Barcelona và Madrid cần tiến hành thảo luận.

…Hay ước mơ xa vời?

Trên thực tế, tình hình chưa đến mức căng thẳng như nhiều người tưởng tượng. Bên cạnh Catalonia, các khu vực khác vẫn đang âm thầm dõi theo các động thái của chính quyền liên bang trước khi đưa ra những bước đi mới.

Tại xứ Basque, cả chính quyền địa phương và người dân đã quá mệt mỏi và không muốn chứng kiến thêm một cuộc chiến ly khai bạo lực nào nữa. Trong khi đó, ý tưởng trưng cầu ý dân về độc lập vẫn chỉ là ý kiến riêng của Đảng Dân tộc Basque và chưa nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dân.

Còn ở Venice và Lombardi, thứ mà người dân hai khu vực này mong muốn đơn thuần là tăng cường quyền hạn cho chính quyền địa phương, cũng như cải cách hệ thống thuế và dịch vụ công cộng. Trong khi đó, bất chấp việc thu hút được nhiều sự chú ý, đảng theo chủ nghĩa dân tộc Liên đoàn phương Bắc (NL) vẫn chỉ là thiểu số và chưa có nhiều tiếng nói trong Quốc hội Italy.

Ngay cả ở Scotland, nơi đảng SNP của Thủ hiến Sturgeon luôn nung nấu ý định lập quốc, người dân không tỏ ra hào hứng với viễn cảnh một nước Scotland độc lập. Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này đã khiến đảng của bà Sturgeon bị mất một số ghế Nghị viện trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2017 vừa qua.

Quan trọng hơn, các khu vực này đều hiểu rằng một phong trào ly khai theo bước Catalonia sẽ khiến cho họ không chỉ đánh mất sự tự chủ vốn có, mà còn kéo theo nhiều bất ổn chính trị.

Thật vậy, chỉ vài giờ sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy đã ngay lập tức giải tán chính quyền và nghị viện của khu vực này, đồng thời tuyên bố tiến hành bầu cử sớm tại đây vào ngày 21/12. Ông cũng bãi nhiệm Thủ hiến Carles Puigdemont, cảnh sát trưởng khu vực cũng như các nhân viên ngoại giao của Catalonia ở Madrid và Brussels, đồng thời cho biết các bộ thuộc Chính phủ trung ương sẽ tiếp quản Catalonia. Lực lượng quân đội cũng được điều động tới Catalonia để khôi phục an ninh trật tự và chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Ngoài Tây Ban Nha, EU đã lên tiếng phản đối động thái ly khai của xứ Catalonia. Ngày 29/10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani khẳng định: “Sẽ không có nước nào công nhận nền độc lập của Catalonia”. Trước đó, ngày 28/10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần được tôn trọng. Ngay cả khi còn nhiều bất đồng tồn tại trong khối, các nước thành viên EU đều nhất trí rằng làn sóng ly khai và chủ nghĩa dân tộc sẽ không mang lại một châu Âu vững mạnh hơn.