📞

Xu hướng tăng trưởng đi ngang: Nhận định không đúng, bốc thuốc sẽ sai!

09:29 | 27/07/2016
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xu hướng tăng trưởng hiện đang đi ngang.

Tại hội thảo công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II năm 2016, ông Cung đặt câu hỏi: vậy sẽ tăng trưởng đi lên bằng cách nào? Chúng ta thường nhìn từ phía cầu, tăng đầu tư, mở rộng tài khóa. Liệu có làm được như vậy không hay phải căn cơ hơn trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, phân bố lại nguồn lực, cải thiện hiệu quả nguồn lực, tăng năng suất để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Cần sự dịch chuyển từ phía Nhà nước

Vẫn theo ông Cung, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn kém, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân thì còn quá yếu. Khu vực doanh nghiệp (DN) chưa thực sự sôi nổi, hứng khởi kinh doanh. Chính phủ mới sau khi nhậm chức được 10 ngày đã tổ chức ngay hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng từ đó đến nay đã làm được gì để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Như vậy, thực sự bộ máy đã vào guồng chưa?

Sắp tới sẽ có nghị quyết 35 về hỗ trợ, thúc đẩy DN trong giai đoạn 2016 – 2020, nhưng tinh thần hỗ trợ trên, theo quan sát, chưa thực sự chuyển từ nhà nước kiểm soát, quản lý sang nhà nước kiến tạo phát triển, ông Cung chia sẻ.

Hội thảo công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II năm 2016. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam có cơ hội cải cách, có 1,5 năm để bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhưng giảm rào cản thị trường thì chỉ “cấp tốc” 3 tháng cuối cùng nên không có đủ thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề.

“Trong quản lý, không thể ưu đãi chỗ này, khắt khe chỗ kia vì sẽ tạo vị thế độc quyền. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là cải thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực tư nhân để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Không thể mở rộng đầu tư, nới lỏng tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Phải tạo được động lực nội sinh để bộ máy nhà nước đổi mới. Mắt xích quan trọng nhất hiện nay là các Bộ trưởng, vì chính sách nằm ở các Bộ”, ông Cung nói.

Quả thực, ngay lúc này chúng ta cần phải tháo gỡ khó khăn môi trường kinh doanh để phát triển chứ không phải tăng trưởng bằng gói hỗ trợ này, gói kích thích kia. Không thể giải quyết vấn đề theo vụ việc mà phải thay đổi về căn bản để tạo động lực tăng trưởng lâu dài. Cụ thể hơn, là cần phải chuyển từ nhà nước quản lý, giám sát sang Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ phát triển.

Tăng trưởng lành mạnh mới là giải pháp

Đánh giá về nền kinh tế vĩ mô hiện nay, ông Cung cho biết, kinh tế vĩ mô nhìn có vẻ ổn nhưng nền tảng rất yếu. Thứ nhất, tại sao Việt Nam chưa thể thay đổi trong vấn đề thâm hụt ngân sách dù đã được bàn rất nhiều? Đây là một trong những vấn đề kinh tế vĩ mô cần phải cải thiện. Thứ hai, tình hình kinh tế thế giới khó lường, bất lợi, khó dự đoán, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Thứ ba, khi nhập khẩu lớn, vay ODA nhiều thì biến động tỷ giá tác động cũng rất lớn.

Chuyên gia kinh tế TS. Lưu Bích Hồ lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa căn gốc khó giải quyết là do chúng ta đánh giá, nhận diện tình hình chưa đúng. Tình hình thế giới là một chuyện nhưng vấn đề gốc rễ là bản thân chúng ta cần tự đổi mới và thực sự có hành động để cải cách.

“Nhận định không đúng thì bốc thuốc sẽ sai. Từ trước đến nay, Việt Nam dựa vào tăng trưởng vốn để tăng GDP. Nhưng từ giờ trở đi, cần phải tăng năng suất lao động, tăng vốn hợp lý, huy động vốn từ khu vực tư nhân chứ không phải từ nhà nước, thúc đẩy phát triển từ phía cung. Thêm nữa, cần tập trung giải quyết các vướng mắc để tạo nền tảng tăng trưởng chứ không chỉ hướng tới mục tiêu tăng trưởng”, TS Lưu Bích Hồ thẳng thắn nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, phải tạo ra sự tăng trưởng lành mạnh chứ không chỉ chạy theo mục tiêu tăng trưởng như hiện nay. Cách tiếp cận vấn đề cần thay đổi. Điều khiến ông Cung băn khoăn suy nghĩ nhiều nhất là chỉ tiêu cải cách môi trường kinh doanh trong Nghị quyết 19 hiện vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Quả thực, báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại được đà phục hồi: GDP tăng 5,57% so với cùng kỳ 2015 và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 (6,7% tương đương kết quả cả năm 2015) hầu như không khả thi. Tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng trong quý II đạt 7,61%. Khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển biến, dù chưa nhiều; giá trị gia tăng của khu vực này tăng 0,06% trong quý II và giảm 0,18% trong 6 tháng đầu năm. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 6,6% trong quý II và 6,35% trong 6 tháng đầu năm – mức cao nhất kể từ năm 2012.

Khu vực doanh nghiệp ít nhiều có chuyển biến, khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 16,6% và 20%, chủ yếu do tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Niềm tin đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và cơ hội từ các FTA thế hệ mới… Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thực sự hết khó khăn khi số doanh nghiệp giải thể trong quý tăng 20,7% so với cùng kỳ 2015.