📞

Xử phạt vi phạm giao thông bằng nhận diện khuôn mặt

Cẩm Yến 08:00 | 25/08/2019
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp nhanh chóng xác minh danh tính lái xe và phát hiện phương tiện vi phạm đang được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về quyền riêng tư của con người.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng tại hơn 60 sân bay trên khắp Trung Quốc. (Nguồn: Handout)

Cơ quan Cảnh sát Trung ương Trung Quốc vừa công bố Báo cáo ghi lại kết quả của hệ thống camera giám sát trong suốt năm 2018 tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Báo cáo đã cho kết quả đáng chú ý, có đến 126.000 phương tiện không có giấy phép hợp lệ khi tham gia giao thông.

Ứng dụng rộng rãi

Trong một nỗ lực nhằm xác định các hành vi đáng ngờ khi tham gia giao thông, đại diện lực lượng cảnh sát Trung Quốc cho biết, cơ quan này đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới camera nhận diện khuôn mặt đến các tỉnh và thành khố khác của quốc gia Đông Bắc Á này. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của các địa phương và tỉnh thành trên khắp Trung Quốc sẽ dễ dàng được truy cập và chia sẻ với nhau.

Tại Diễn đàn An ninh giao thông diễn ra mới đây tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, đại diện Bộ Công an thành phố khẳng định, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã giúp cảnh sát thành phố nhận diện nhanh chóng khuôn mặt tài xế và chi tiết phương tiện dựa trên cơ sở dữ liệu, qua đó giúp xác minh danh tính của người phạm tội nhanh và chính xác hơn, đồng thời hỗ trợ tốt hơn trong việc quản lý người vi phạm luật giao thông.

Học theo tỉnh An Huy, mới đây cảnh sát thành phố Handan thuộc tỉnh Hà Bắc cũng đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Gosunyun Robot có trụ sở tại Quảng Châu để đưa robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào điều khiển giao thông trực tiếp và hướng dẫn cho lái xe.

Có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, Công ty AI Intellifusion hiện đang là nhà cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát giao thông nước này kể từ năm 2018.

Tại Trung Quốc, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn được ứng dụng rộng rãi từ an ninh sân bay, phòng chống tội phạm, giao thông, cho đến phân loại rác, tầm soát ung thư sớm và phát triển xe tự lái. Thậm chí, tại thành phố công nghệ cao Thâm Quyến – nơi hệ thống camera giám sát được lắp đặt dày đặc, những người đi bộ qua đường còn bị nêu tên và phê bình bởi các chương trình nhận dạng khuôn mặt thí điểm của thành phố.

Trả lời phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh AI ở Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra vào tháng 8/2019, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Hong Kong Wong Kam-Fai - một chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc cho biết, chính quyền thành phố đang cố gắng đẩy mạnh phát triển công nghệ và thăm dò thái độ của người dân.

Thêm vào đó, công nghệ nhận dạng khuôn mặt còn được ứng dụng cho các đối tượng học lái xe, cho phép người học sử dụng khuôn mặt để đăng ký và hoàn thành khóa học lý thuyết. Thay vì phải chờ đợi để thực hiện các thủ tục, khoảng thời gian thi lý thuyết đến thi thực hành của công dân Trung Quốc đã được rút ngắn đáng kể.

Trong một nỗ lực xây dựng mạng lưới giám sát phạm vi “toàn diện” vào năm 2020, thủ đô Bắc Kinh đã lên kế hoạch triển khai việc mở rộng các công nghệ AI cho nhiều tầng lớp, đồng thời phấn đấu trở thành “cái nôi” của các nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới.

Thế giới lo ngại

Mặc dù công nghệ nhận diện khuôn mặt trong tham gia giao thông đang phát triển nở rộ ở Trung Quốc, song ở một số nước châu Âu và Mỹ, công nghệ này lại không được “chào đón”.

Cùng với các bang San Francisco, Los Angeles và thành phố Somerville thuộc bang Massachusetts, chính quyền bang Oakland của Mỹ mới đây đã ban hành lệnh cấm sử dụng công nghệ nhận dạng không ma sát, xuất phát từ những lo ngại về quyền riêng tư cá nhân.

Thời gian gần đây, “gã khổng lồ” công nghệ Amazon cũng vấp phải không ít chỉ trích từ phía đội ngũ nhân viên và cổ đông, vì hợp tác với cảnh sát Mỹ trong việc kiểm tra khả năng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt nhằm theo dõi nghi phạm trong thời gian thực.

Vương quốc Anh cũng đang “đau đầu” với làn sóng phản đố việc cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt do lo sợ công nghệ này có thể cấu thành nên hành vi vi phạm quyền riêng tư một cách bất hợp pháp.

Điều lệ bảo vệ số liệu chung (GDPR) được Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào tháng 5/2018 cũng quy định các thông tin sinh học, bao gồm nếp nhăn trên khuôn mặt đều thuộc sở hữu cá nhân. Do đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng phải nhận được sự đồng ý của người đấy.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được đánh giá là nhân tố chính để phát triển hệ thống chấm điểm công dân mà Trung Quốc đang triển khai. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang gấp rút hoàn thiện mạng lưới camera giám sát khổng lồ. Tính đến năm 2018, 176 triệu chiếc camera giám sát đã được lắp đặt tại 22 tỉnh trên khắp Trung Quốc và khoảng 400 triệu thiết bị mới sẽ được bổ sung trong thời gian tới.

Truyền thông Bắc Kinh cho biết, rất nhiều camera trong số này tích hợp trí tuệ nhân tạo với khả năng nhận diện khuôn mặt.

(theo SCMP)