Cuộc sống của người Bajau Laut qua ống kính nhiếp ảnh gia Ng Choo Kia. |
Những kình ngư tài ba nhất thế giới
Bajau Laut được cho là bộ tộc duy nhất trên thế giới còn sinh sống bằng hình thức du mục biển. Theo truyền thuyết, họ có nguồn gốc từ cái chết của một nàng công chúa xinh đẹp người Malaysia tên là Johor bị cuốn trôi ra biển trong một trận lũ quét. Nhà vua đã lệnh cho một nhóm người ra khơi và chỉ được trở về khi nào tìm được công chúa. Cuộc tìm kiếm thất bại, nhóm người được lệnh không thể trở về đất liền và từ đó hình thành bộ tộc du mục trên biển.
Với số lượng khoảng 100.000 người và địa bàn sống trải dài từ Philippines và Malaysia, xuyên đến Đông Indonesia và vùng biển ở Myanmar, người Bajau Laut có thể sống hàng tháng trời lênh đênh trên biển chỉ với một con xuồng dài, hẹp và cao tên là lepa-lepa. Cuộc sống du mục luôn không có ranh giới quốc gia rõ ràng nên trong nhiều năm qua, việc đi lại trên biển của họ qua ba nước Đông Nam Á đã gây ra cuộc tranh cãi khiến Malaysia buộc phải vận động người Bajau Laut di chuyển về đất liền. Hiện tại, đa số người Bajau đã chuyển tới các làng nhà sàn nhưng một số vẫn chọn cách duy trì lối sống như cũ.
Ngôi làng của người Bajau Laut ở Borneo cách thế giới văn minh chỉ khoảng một giờ đi biển nhưng cuộc sống của họ vẫn mang tính hoang dã. Họ có thể lặn xuống đáy biển để săn cá và bạch tuộc chỉ bằng những cây giáo tự chế. Với sự hỗ trợ của kính thợ lặn vành gỗ và không cần bình dưỡng khí, những kình ngư này có thể vô tư lặn sâu xuống 20m dưới đáy biển trong vòng năm phút.
Điều đặc biệt là những đứa trẻ Bajau Laut được huấn luyện bơi lội từ khi còn rất nhỏ. Để tai không bị nổ trước sức ép trọng lực của nước khi bơi lội, người Bajau phải chọc thủng màng nhĩ của mình. Họ phải nằm im bất động để vết thương ở tai lành lại, sau đó họ có thể bơi lội mà không đau đớn. Chính vì tập tục đó nên những người dân trong bộ tộc đều bị nặng tai. Ngược lại, đôi mắt của họ lại phát huy khả năng gấp hai lần so với người bình thường, giúp họ có thể nhìn mọi vật dưới nước một cách dễ dàng.
Bộ tộc du mục biển sẽ chấm dứt?
Mới đây, nhiếp ảnh gia người Malaysia Ng Choo Kia đã đi thực nghiệm và ghi lại cuộc sống độc đáo của người Bajau Laut ở Borneo. Trên trang Daily Mail, nhiếp ảnh gia 43 tuổi đã chia sẻ những hình ảnh hiếm thấy trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.
Tọa lạc giữa biển, nơi sống của họ giống như một thiên đường trong cổ tích. Người dân nơi đây đã dựng lên những làng nổi giữa đại dương, đủ sức đương đầu với những cơn sóng và sự giận dữ của biển cả. Người Bajau Laut thân quen với đại dương đến nỗi, họ không cần đồng hồ. Chỉ nhìn vào chuyển động của thủy triều và dòng biển là họ có thể nói gần chính xác là mấy giờ.
Ng Choo Kia cho biết, thay vì học đại số hay tiếng Anh, trẻ em Bajau được học đan lưới, bắt cá, bạch tuộc và làm thuyền thủ công. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng chính phủ Malaysia và các bậc cha mẹ phải làm cách nào đó để trẻ em Bajau được đi học, bởi vì chúng sẽ mãi mãi chỉ là kình ngư nếu người Bajau vẫn tiếp tục sống như hiện tại.
Trải qua nhiều thế hệ, người Bajau Laut ở đây đã thích nghi với cuộc sống trên biển và không muốn đặt chân lên đất liền trừ những lúc trao đổi hải sản họ đánh bắt được để lấy gạo và nước ngọt, đóng tàu mới hoặc chôn cất người chết. Để bắt được nhiều cá, ngư dân Bajau Laut còn học cách sử dụng hợp chất hóa học Kali xyanua khiến nhiều rặng san hô bị phá hủy và đe dọa đến cuộc sống của chính bản thân họ.
Hiện nay, chính phủ Malaysia, Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tạo ra những chương trình quản lý khuyến khích người dân đánh bắt hải sản một cách bền vững, tham gia việc nuôi cá theo hình thức công nghiệp.
Như vậy, trong một tương lai gần, bộ tộc người Bajau Laut có thể sẽ kết thúc cuộc sống du mục của mình để bước sang cuộc sống hiện đại hơn.
TRẦN YẾN (tổng hợp)