📞

Xuân Quê hương: Điểm hẹn yêu thương của kiều bào

QUỲNH ANH 14:00 | 20/01/2022
Đã đi qua 14 mùa, chương trình Xuân Quê hương đã trở thành sự kiện lớn thường niên của kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê đón Tết, được mỗi người con xa quê chờ đón mỗi khi Xuân về.
Nghi lễ thả cá chép tại Xuân Quê hương 2020. (Ảnh: Trung Hiếu)

Xuân Quê hương ra đời vào năm 2008 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì, phối hợp với các cơ quan và một số địa phương tổ chức. Dù được tổ chức ở trong Nam hay ngoài Bắc thì mỗi năm, chương trình đều gây được tiếng vang lớn, để lại những ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp trong lòng mỗi đại biểu tham dự.

Nồng ấm hương vị quê nhà

Có thể thấy rõ sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho Xuân Quê hương bởi mỗi năm chương trình này đều thu hút hàng nghìn kiều bào về tham dự với nhiều hoạt động ý nghĩa, thường được tổ chức vào đúng dịp Lễ cúng Ông Công Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Đến hẹn lại lên, bữa tiệc của Xuân Quê hương năm nào cũng nồng ấm hương vị quê nhà như: lễ dâng hương, thả cá; hoạt động tri ân - viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù các hoạt động thường niên phải tạm hoãn nhưng chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương vẫn được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt với sự dàn dựng công phu và hoành tráng cùng sự thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng, Tùng Dương... Chương trình đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, đồng thời truyền tải không khí đón Xuân mới ấm áp, rộn ràng trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Năm nay, Xuân Quê hương tiếp tục là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2022 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.

Đặc biệt, hai năm qua, nhiều bà con kiều bào không có điều kiện và cơ hội về thăm gia đình, quê hương nên việc tổ chức Xuân Quê hương năm 2022 có sự hiện diện, chúc Tết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, chăm lo dành cho bà con kiều bào, theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/T Bộ Chính trị ban hành ngày 12/9/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đêm giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương năm nay có sự đổi mới, kết hợp hài hòa, thú vị giữa nhiều yếu tố âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ gốc Việt tiêu biểu và nghệ sĩ trong nước.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thể hiện rõ sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam. Đáng chú ý, Xuân Quê hương 2022 còn có sự tham gia của tỉnh Vĩnh Phúc với hoạt động giới thiệu, xúc tiến đầu tư - thương mại tại tỉnh với đoàn kiều bào tiêu biểu.

Chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2021. (Ảnh: Lê An)

Những cảm xúc thiêng liêng

Trở về Việt Nam tham dự Xuân Quê hương những năm qua, những kiều bào tiêu biểu từ khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ nhiều tình cảm và tâm nguyện chân thành của mình dành cho quê hương, đất nước.

Lần đầu tiên về tham dự chương trình vào năm 2016, bà Lương Thu Thảo (62 tuổi, Việt kiều Thái Lan) rất vui mừng và phấn khởi: “Tôi rất vinh dự khi về nước dự chương trình và được Nhà nước đón tiếp rất ấm cúng, trọng thị. Với sự đón tiếp của Nhà nước như thế này, tôi tự nhủ sẽ phải cố gắng hơn nữa để tổ chức thêm nhiều hoạt động cho cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan nói chung và Chiang Mai nói riêng”.

Lần thứ ba trở lại Việt Nam để tham dự Xuân Quê hương 2018, GS. TS. Yang Dao cùng vợ rất vui mừng trước sự đổi thay rõ rệt của quê hương. Lớn lên tại Lào, nhưng gia đình ông có nguồn gốc từ dân tộc H’Mông tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử phát triển xã hội tại Pháp vào năm 1975, ông đưa gia đình sang Mỹ và định cư cho đến nay.

Bên cạnh làm việc tại trường Đại học Tổng hợp Minnesota, GS. TS. Yang Dao luôn có những đóng góp tích cực trong việc đoàn kết cộng đồng người H’Mông và cộng đồng người Việt Nam nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết bà con với quê hương đất nước. Điều ông vui mừng nhất là Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn có những chính sách tốt đẹp cho kiều bào, cũng như đặc biệt quan tâm đến người dân tộc và người thiếu số.

Đồng hành cùng Xuân Quê hương trong nhiều năm, Việt kiều Peter Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân ở nước ngoài chia sẻ rằng, mỗi lần tham dự chương trình, nhìn thấy hoa đào nở và không khí đón Xuân ở Việt Nam, ông luôn có một cảm xúc rất đặc biệt. Ông cũng mong có thêm nhiều các chương trình tương tự để kiều bào tri ân đất nước, tri ân ông bà, cha mẹ và không quên đi nguồn cội của mình.

Với ông Lương Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan), về quê hương mới cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức khi Tết đến Xuân về. Mặc dù cộng đồng người Việt tại Thái Lan tổ chức mừng năm mới thường niên nhưng cảm giác được ăn Tết tại quê nhà thật sự rất ấm áp với đông đảo bà con ở các nước khác nhau cùng tề tựu chung vui.

Cùng chung cảm xúc đặc biệt ấy về Xuân Quê hương, chị Phạm Thị Oanh - Việt kiều Nga cũng chia sẻ: “Mỗi ngày Tết sắp đến, người Việt Nam trên khắp thế giới lại náo nức, mong muốn được về quê hương để chia sẻ những tình cảm nơi đất khách quê người. Bản thân tôi cảm thấy phấn khởi khi nhận thấy Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới những tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào và tự hào khi hai lần được về tham dự Xuân Quê hương trên đất Mẹ thân yêu”.