📞

Xuất hiện ca tử vong do virus Nipah, Ấn Độ triển khai một loạt biện pháp phòng ngừa

Hiếu Hoàng 19:08 | 21/07/2024
Ngày 21/7, nhà chức trách bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đã triển khai các biện pháp phòng ngừa sau khi ghi nhận một thiếu niên 14 tuổi tử vong do virus Nipah và xác định 60 người thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao.
Người dân Ấn Độ đặt biển "Khu vực phong toả virus Nipah" tại quận Kozhikode, Kerala ngày 13/9/2023. (Nguồn: Reuters)

Trả lời báo giới, người đứng đầu cơ quan y tế bang Kerala, bà Veena George xác nhận, ca bệnh trên tử vong vào ngày 21/7. Có 214 người từng tiếp xúc với ca bệnh này, trong đó 60 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Các khu cách ly ngay tại cơ sở y tế đã được thiết lập.

Trong khi đó, người thân của bệnh nhân trên đang được theo dõi tại một bệnh viện địa phương sau khi 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah tại Malappuram, một thị trấn cách thủ phủ bang Kerala khoảng 350 km. Các trường hợp trong diện nguy cơ đã được yêu cầu cách ly tại nhà.

Ngày 20/7, trong vai trò người phụ trách công tác kiểm soát bệnh do virus Nipah gây ra, bà George cho biết chính quyền bang Kerala đã yêu cầu thành lập 25 tổ phụ trách truy vết và cách ly những người từng tiếp xúc với ca bệnh trên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa lây lan virus.

Trong khi đó, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực tại bệnh viện đa khoa Aster MIMS ở thành phố Calicut, bác sĩ Anoop Kumar nhận định có ít khả năng xảy ra một đợt bùng phát bệnh do virus Nipal ở giai đoạn này, song vẫn cần theo dõi tình hình trong 7-10 ngày tới.

Theo một kết quả điều tra công bố cuối năm ngoái, nhiều địa phương ở bang Kerala nằm trong diện những khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus Nipah cao nhất trên toàn cầu. Virus này liên quan đến hàng chục ca tử vong tại bang Kerala kể khi giới chức y tế xác định trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại đây vào năm 2018.

Virus Nipah, có nguồn gốc từ loài dơi ăn quả và động vật như lợn, có thể gây sốt, phù não và tử vong ở người. Virus này được xác định gây bệnh lần đầu tiên cách đây 25 năm ở Malaysia, sau đó dẫn đến các đợt bùng phát dịch tại Bangladesh, Ấn Độ và Singapore.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Nipah vào loại mầm bệnh đáng quan ngại vì khả năng gây bệnh cao. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa cũng như chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus Nipah gây ra.

(theo AFP/THX)