Xuất khẩu là một trong số ít những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2022. (Nguồn: CNBC) |
Trong tháng trước, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 18% so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất trong năm nay, cao hơn so với mức tăng 17,9% trong tháng Sáu và cũng như dự báo 15% trước đó của các nhà phân tích.
Xuất khẩu là một trong số ít những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2022, khi các đợt phong tỏa trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng và thị trường bất động sản. Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận định đà tăng bất ngờ của xuất khẩu sẽ hỗ trợ kinh tế Trung Quốc trong một năm khó khăn khi nhu cầu nội địa suy yếu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng trong những tháng tới xuất khẩu sẽ đi xuống khi kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ giảm tốc nghiêm trọng, do đà tăng của lạm phát và lãi suất.
Một cuộc khảo sát được công bố vào tuần trước cho thấy nhu cầu đã suy yếu trong tháng Bảy, với chỉ số về sản lượng và đơn đặt hàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Theo cuộc khảo sát chính thức của Trung Quốc, hoạt động sản xuất đã giảm vào tháng trước, làm dấy lên lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế sau đợt phong tỏa vào mùa Xuân sẽ chậm hơn và khó khăn hơn dự kiến.
Bruce Pang, nhà kinh tế tại công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle Inc, nhận định xuất khẩu tháng Bảy cũng có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu dồn nén từ Đông Nam Á. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng, một số khách hàng châu Âu và Mỹ có thể đã đặt trước các đơn đặt hàng để đảm bảo họ có hàng với chi phí thấp hơn.
Chang Ran, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin dự kiến trong nửa cuối năm, xuất khẩu sẽ phục hồi trong ngắn hạn, song nhu cầu bên ngoài suy yếu có thể gây sức ép cho kinh tế Trung Quốc trong quý IV/2022.
Jin Chaofeng, Giám đốc điều hành tại Nicesoul, một trong những công ty nội thất mây tre hàng đầu trên Amazon bày tỏ lo ngại về tác động của lạm phát tăng cao tại Mỹ và căng thẳng Mỹ-Trung đối với các đơn hàng xuất khẩu của công ty này.
Tháng trước, Trung Quốc đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục 101,26 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 90,0 tỷ USD mà các nhà phân tích dự kiến trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tháng Bảy đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống 3,3%, so với mức 4,4% trong tháng Tư, do chính sách phong tỏa do dịch Covid-19 và rắc rối trong lĩnh vực bất động sản.