📞

Xuất khẩu hưởng lợi từ 'mỏ vàng' FTA, doanh nghiệp Việt Nam làm gì để khai phá thị trường mới?

Gia Thành 18:33 | 10/02/2023
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, để tìm kiếm thêm các thị trường mới từ các FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa, nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ và tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan.
Năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng trên 20%. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam đạt gần 372 tỷ USD.

Thành tích xuất khẩu này có sự đóng góp tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó, có loạt FTA thế hệ mới với khu vực thị trường Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm ngoái, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí một số thị trường trên 30%. Đây là mức cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, nếu không có những thị trường thuộc các FTA thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 khó có thể xuất siêu, thậm chí còn nhập siêu.

Chẳng hạn, nhờ thực thi FTA Việt Nam-EU (EVFTA), xuất khẩu sang khối 27 thành viên năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước.

Cũng nhờ tận dụng FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhờ EVFTA, doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho gạo Việt Nam về giá tại châu Âu.

Trước đó, để vào thị trường này, hạt gạo phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao, từ 5-45%, có khi nhà nhập khẩu gạo từ Việt Nam phải đóng thuế từ 100-200 Euro/tấn nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác như Campuchia, Lào, Myanmar, vốn được đặc cách miễn thuế.

Đến nay, Trung An đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu riêng vào châu Âu và bán với mức giá ngang bằng với giá gạo của Thái Lan.

Ông Nguyễn Thái Bình tin tưởng, gạo Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn nữa ở thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Tìm kiếm thị trường mới

Dù vậy, Bộ Công Thương nhận thấy, giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt nhưng tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, tỉ lệ tận dụng các FTA còn rất thấp.

Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA mới đạt 20%, UKVFTA là hơn 22% và CPTPP mới chỉ 6%.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho thấy, hơn 46% số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh. Hơn 40% doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA; gần 47% doanh nghiệp lo ngại các yếu tố biến động của thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2023, những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU đã có động thái thay đổi chính sách thương mại theo chiều hướng khắt khe hơn. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Từ những dự báo đó, ông Vũ Bá Phú cho rằng, năm nay, Cục sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với những thị trường trọng điểm, đặc biệt là khai thác thị trường, khu vực đang có FTA với Việt Nam.

Song song với đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ khơi thông những thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được như: châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước dự báo trong năm 2023 sẽ nhiều khó khăn hơn, để tìm kiếm thêm các thị trường mới từ các FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa, nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan từ các FTA.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để chủ động đối phó với những yếu tố bất ổn của nền kinh tế thế giới tác động đến thị trường trong nước, các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục cải cách thể chế để dẫn dắt và định hướng giúp các doanh nghiệp vượt khó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn các Hiệp định FTA đã ký kết để chinh phục các thị trường lớn. Để làm được điều này, cộng đồng doanh nghiệp cần có những có thêm nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ thực tế.

Ông Trần Thanh Hải nói: “Các doanh nghiệp phải tái cơ cấu và tìm ra phương thức về nguồn nguyên liệu hợp lý, trong đó thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa. Bên cạnh việc phối hợp với các đối tác trong Hiệp định thương mại tự do để sản xuất có xuất xứ phù hợp.

Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại và sử dụng những kênh thương mại như thương mại điện tử, các doanh nghiệp có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, bên cạnh đó quản lý nhập khẩu phù hợp, để đóng góp chung vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.