Thủ đoạn tinh vi
Những đối tượng này chủ yếu là những người nước ngoài cư trú tại đây. Thủ đoạn của chúng là vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng xuất khẩu lao động đầy triển vọng, có thu nhập cao, việc làm ổn định hoặc lập ra các hợp đồng thương mại mang lại nhiều lợi nhuận, hợp tác lâu dài, dễ thực hiện. Chúng thường đề nghị phải đặt cọc tiền, nộp phí môi giới hoặc ứng trước tiền làm thị thực... Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ cao chạy xa bay hoặc bỏ mặc nạn nhân.
Một số người đi xuất khẩu lao động sang UAE cũng đã bị chính các đối tượng người Việt lừa đảo bằng các thủ đoạn trên, song tinh vi hơn và có sự liên kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước. Chúng lập ra các hợp đồng tuyển dụng ma, thu tiền môi giới xuất khẩu lao động, vé máy bay, phí đào tạo… và sau đó đưa nạn nhân sang bằng thị thực du lịch và rồi bỏ rơi họ. Phần lớn nạn nhân đều không có đủ bằng chứng pháp lý để có thể khiếu kiện như không có hợp đồng xuất khẩu lao động, hoặc nếu có thì là giao kèo viết tay, không có phiếu thu tiền để chứng minh các khoản tiền đã nộp, thậm chí không biết cá nhân, tổ chức nào đã đưa mình sang.
Bốn lưu ý đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, khi liên hệ với đối tác, cần đề nghị họ cung cấp thông tin đầy đủ tên doanh nghiệp, giấy phép đăng kí kinh doanh hợp lệ, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, fax, hòm thư (P.O.Box) và các thông tin của người liên hệ hay người môi giới như: họ tên đầy đủ, quốc tịch, số hộ chiếu, các số điện thoại cố định, di động...
Thứ hai, tuyệt đối không đưa tiền đặt cọc, môi giới trước khi ký hợp đồng tuyển dụng và trước khi chủ sử dụng lao động cung cấp thị thực lao động cho phía doanh nghiệp Việt Nam. Khi nhận được thị thực lao động rồi cũng cần kiểm tra lại cẩn thận xem thị thực đó là thật hay giả.
Thứ ba, chỉ cho phép người lao động xuất cảnh Việt Nam sau khi nhận được thị thực lao động (Employment Visa). Thị thực du lịch (Tourist Visa) hoặc thị thực thăm thân (Visit Visa) chỉ được phép lưu lại UAE 30 ngày.
Thứ tư, trong trường hợp cần thiết, có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi để thẩm tra, xác minh thông tin về đối tác, hợp đồng môi giới, hợp đồng tuyển dụng… trước khi ký kết giao kèo thương mại hoặc tuyển dụng lao động.
10 lưu ý đối với người lao động
Trước hết, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại UAE nên liên hệ với các công ty xuất khẩu lao động có giấy phép hợp lệ và uy tín ở trong nước.
Thứ hai, nên liên hệ trực tiếp tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện chính của các công ty đó để làm các thủ tục đăng ký, nộp tiền…
Thứ ba, không nên thông qua hay giao phó hoàn toàn cho các cá nhân, đối tượng môi giới, kể cả những người thân thuộc, quen biết thay mình làm các thủ tục đăng kí, nộp tiền, kí hợp đồng...
Thứ tư, khi nộp tiền, phải yêu cầu cơ quan tài chính của đơn vị tuyển dụng cung cấp phiếu thu tiền ghi rõ ràng, đẩy đủ số tiền nộp, nội dung nộp tiền với đầy đủ các chữ kí, con dấu cần thiết.
Thứ năm, phải nắm rõ tên công ty, văn phòng, chi nhánh, địa chỉ, số điện thoại, fax, người đại diện… của đơn vị tuyển dụng và phải ghi chép đầy đủ các thông tin này vào sổ tay cá nhân mang theo mình để sử dụng liên hệ khi cần thiết.
Thứ sáu, cần đọc rõ và nắm chắc các nội dung trong hợp đồng xuất khẩu lao động trước khi ký với công ty trong nước và phải lưu giữ một bản sao hợp đồng đó (bản sao chính thức, có chữ kí và đóng dấu của lãnh đạo công ty) để mang theo người khi ra nước ngoài. Trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng lao động, bản hợp đồng ký ở trong nước chính là cơ sở pháp lý cần thiết để cơ quan liên quan xem xét và giải quyết.
Thứ bảy, xem kỹ thị thực trước khi xuất cảnh. Đối với người đi lao động xuất khẩu, phải sử dụng thị thực lao động (Employment Visa), tuyệt đối không sử dụng thị thực du lịch (Tourist Visa) hay thị thực thăm thân (Visit Visa).
Thứ tám, cần ghi lại địa chỉ, số điện thoại, fax của Đại sứ quán Việt Nam tại UAE để liên hệ đề nghị giúp đỡ khi cần thiết.
Tiếp theo, cần xuất cảnh khỏi UAE trước khi thị thực hết giá trị (đối với thị thực du lịch và thăm thân) và trong vòng 1 tuần sau khi thị thực lao động bị hủy. Các cơ quan hữu quan của UAE xử phạt rất nặng bằng tiền mặt những người vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh và lưu trú có thể bị phạt tù, đồng thời cấm người vi phạm được tái nhập cảnh trong thời hạn ít nhất là 6 tháng tiếp theo.
Cuối cùng, tìm hiểu để nắm rõ những quy định về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán... khi sống và làm việc tại UAE như: không được uống rượu, cờ bạc; không trêu ghẹo phụ nữ, trẻ em; không được tự động bỏ trốn khỏi công ty đang bảo lãnh cho mình để làm việc cho công ty khác; không được đánh nhau, gây rối trật tự, không biểu tình, tụ tập đông người, nghỉ làm tự do…
(Thông tin do Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cung cấp)