Bộ Công Thương chỉ tên những "điểm yếu cố hữu" khiến nông sản bị ùn ứ
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/1, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân gây nên tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là do nước bạn tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu, đặc biệt là những cửa khẩu mở thì quy trình giao nhận kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
Bộ Công Thương giải đáp nhiều thắc mắc liên quan tình trạng ùn ứ nông sản. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Đánh giá năm 2020 - 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng với sự vào cuộc của bộ ngành địa phương thì việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng tích cực. Song theo bà Trang, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát phía Bắc, Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, những điểm yếu cố hữu được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra như sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu; chất lượng và bao gói chưa được quan tâm đúng mức để đáp ứng yêu cầu; việc truy nguồn gốc đáp ứng nhu cầu vẫn còn hạn chế nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Chúng ta đã có đàm phán về thuế nhưng đàm phán quản lý chất lượng còn hạn chế khi chỉ có 9 sản phẩm trái cây đáp ứng yêu cầu, trong khi 100% sản phẩm trái cây xuất sang Trung Quốc phải kiểm dịch.
Trong bối cảnh đó, các bộ ngành và địa phương đã tích cực tháo gỡ và khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết về mặt tiến độ, tháo gỡ cho hàng hóa bị ùn ứ. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng tổ chức các đoàn công tác đến tỉnh biên giới; trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời, ngay trước mắt.
Theo bà Trang, đến nay, tình hình có tiến triển tích cực và nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, chính quyền Quảng Tây cho phép mở cửa khẩu Đông Hưng; mặt hàng thanh long bắt đầu được thông quan qua Lào Cai…
Về giải pháp căn cơ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên để tránh ùn tắc. Tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển gặp khó
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới bằng đường biển, giảm thiểu ách tắc cho xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc, chiều 12/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải họp bàn về thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại việc xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, hiện nay lượng tàu không ổn định, hay bị trễ. Thứ hai, vỏ container lạnh đang bị thiếu hụt nhiều, giá thuê cao. Thứ ba, bên phía Trung Quốc kiểm dịch Covid-19 rất chặt chẽ, kể cả đường biển nên việc thông quan chậm.
"Theo thông tin từ các đối tác của các doanh nghiệp tại Trung Quốc cho biết mỗi ngày cảng Thượng Hải chỉ thông quan 5 container. Do đó, đối tác cũng khuyên doanh nghiệp chúng ta hạn chế vận chuyển hàng hóa bằng đường biển", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên khuyên các doanh nghiệp nắm bắt thông tin để điều tiết đưa hàng lên tàu, vận chuyển hợp lý, tránh thời gian nghỉ Tết dài phía bạn, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa và thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp; nên để sau Tết Nguyên đán khoảng 2 - 3 tuần, sau đó xác định lại tình hình và yêu cầu của thị trường Trung Quốc để lên phương án cụ thể.
"Ngoài ra, do đi đường biển là xuất theo chính ngạch, bắt buộc hàng phải đủ hợp đồng, giấy tờ liên quan... nên các doanh nghiệp cần lưu ý, tránh việc hàng không đủ thủ tục sẽ bị gián đoạn thông quan", ông Nguyên nói thêm.
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản từ Campuchia
Báo cáo của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho thấy, xuất khẩu nông nghiệp vụ mùa năm 2021 của quốc gia này đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản của nước này với trên 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
So với cùng kỳ năm trước đó, Campuchia đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng 61%. Các nông sản khác cũng lần lượt tăng 10-400%.
Hạt điều, 99% sản lượng của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam với gần 1 triệu tấn, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao lịch sử trong hoạt động xuất khẩu của nước này và gây bất ngờ cho tất cả các nước sản xuất và xuất khẩu hạt điều.
Ngoài hạt điều, hạt tiêu, đậu xanh của Campuchia cũng đồng loạt xuất sang Việt Nam với tỷ trọng tới 99%, tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái cây Campuchia như: bưởi, chuối, xoài cũng tăng sản lượng vào thị trường Việt Nam với số lượng từ vài chục đến vài trăm nghìn tấn, giá rất cạnh tranh.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhom khẳng định Việt Nam dẫn đầu trong 70 quốc gia nhập khẩu nông sản nước này.
Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc hợp tác thương mại giữa hai nước theo ông đem lại kết quả ấn tượng trong năm 2021. Trong đó, các công ty Việt Nam đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã cho thu hoạch mủ trên diện tích 100.000 ha, với giá trị xuất khẩu khoảng 200 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021.
"Việc trồng cao su đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 33.000 lao động địa phương. Các công ty trái cây Việt Nam cũng đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu chuối của Campuchia, tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động nước này", Bộ trưởng Veng Sakhom cho biết.
600 tấn cà rốt Hải Dương lên đường sang Hàn Quốc
Ngày 12/1, tỉnh Hải Dương xuất khẩu thêm 375 tấn cà rốt sang Hàn Quốc, nâng tổng số cà rốt vụ này được xuất khẩu sang nước này lên 600 tấn. Trước đó, vào sáng 11/1, 250 tấn cà rốt đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Tỉnh Hải Dương xuất khẩu hơn 600 tấn cà rốt sang Hàn Quốc. (Nguồn: VOV) |
Năm nay, cà rốt được xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc sớm hơn khoảng 1 tháng so với những năm trước. Sản phẩm cà rốt của Hải Dương được thị trường Hàn Quốc thu mua với giá cao hơn khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, tiếp tục triển khai giải pháp để phát triển chế biến sau thu hoạch và thúc đẩy liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Mùa thu hoạch cà rốt ở Hải Dương năm nay kéo dài đến tháng 4/2022, riêng tháng 1 chiếm khoảng 30% sản lượng. Giá bán cà rốt hiện tại cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nông dân thu khoảng 13 triệu đồng/sào.
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu sang Hungary
Với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2020, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary và trong năm 2021, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí này.
Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hungary là linh kiện điện tử, chiếm kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đồng thời là nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê của Hungary cho thấy, nhóm hàng linh kiện điện tử của Việt Nam xuất khẩu sang Hungary năm 2020 đạt 747 triệu USD, chiếm 74,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Hungary. Riêng 10 tháng năm 2021 đạt 574,8 triệu USD, chiếm 77% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Hungary.
Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đầu tiên đạt ngưỡng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang Hungary và liên tục dẫn đầu kể từ năm 2020 cho đến nay.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê Hungary, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary năm 2020 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 86,4% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Malaysia sang Hungary đạt 872,8 triệu USD, Thái Lan đạt 516,9 triệu USD, Singapore đạt 363 triệu USD, Philippines đạt 136 triệu USD, Indonesia đạt 115,3 triệu USD, các nước còn lại đạt kim ngạch rất thấp.
Riêng 10 tháng năm 2021, so cùng kỳ năm trước, Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đạt 842,7 triệu USD, tăng 5%; Malaysia đạt 586,7 triệu USD, giảm 12,2%; Singapore đạt 494,4 triệu USD, tăng 56,5%; Thái Lan đạt 426,6 triệu USD, tăng 10,1%; Philippines đạt 141,7 triệu USD, tăng 28,2%; Indonesia đạt 119,5 triệu USD, tăng 26,2%.