📞

Xuất khẩu ngày 12-14/2: Đặc sản Việt sang nước ngoài thành 'siêu thực phẩm'; cá ngừ thắng lớn tại thị trường Mỹ

Vân Chi 12:21 | 14/02/2022
Xuất khẩu năm 2022 hứa hẹn nhiều tin vui, cá ngừ Việt "đắt khách" tại thị trường Mỹ, đặc sản Việt sang nước ngoài thành "siêu thực phẩm"...là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 12-14/2.
Ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VnEconomy)

Xuất khẩu năm 2022 hứa hẹn nhiều tin vui

Nhiều chuyến hàng đã được xuất khẩu đi các nước ngay trong những ngày Tết Nguyên đán 2022, hứa hẹn một năm thành công của cộng đồng doanh nghiệp.

Ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Còn nhập khẩu đạt 29,5 tỷ USD, như vậy, tháng đầu tiên của năm 2022, Việt Nam nhập siêu 500 triệu USD.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, Việt Nam luôn có cơ hội lẫn thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.

“Việt Nam vừa phải nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới của quốc tế; đồng thời, phải đối mặt với nhiều rủi ro như xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...

Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn luôn xuất hiện cơ hội. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã được “tiêm vaccine” để thích ứng với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra. Đây là tiền đề để tiếp tục phát triển”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được dịch COVID-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định, cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Để tận dụng tốt cơ hội, lợi thế trong xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng, ổn định nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, dự báo tình hình, cập nhật đến các hiệp hội, doanh nghiệp, để chủ động có biện pháp phù hợp, bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành da giày Việt "khởi sắc"

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng đầu tiên của năm 2022, các doanh nghiệp (DN) da giày trong nước đã xuất khẩu 390,3 triệu USD giá trị mặt hàng túi xách, ô dù; 1,937 tỷ USD mặt hàng giày, dép.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đơn hàng xuất khẩu ít nhất đã có đến hết quý II/2022 là cơ sở tốt cho các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt.

Trên thực tế, cơ hội lấy lại đà tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày trong năm nay được nhận định khá khả quan. Ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.

Riêng với Nike, theo đại diện Lefaso, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Nguyên nhân khiến các "ông lớn" ngành giày dép, trang phục thể thao chọn Việt Nam là điểm đến, được bà Phan Thị Thanh Xuân lý giải: Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh. Hơn nữa, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm giày "Made in Vietnam". Đây cũng là một trong những động lực giúp thị phần hàng giày, dép của Việt Nam khá tốt tại thị trường này.

Đặc sản Việt sang Tây là 'siêu thực phẩm' 600 nghìn/kg

Không chỉ thanh long, rất nhiều loại trái cây đặc sản Việt Nam khi “xuất ngoại” sang trời Tây cũng được bán với mức giá siêu đắt đỏ, điều đó cho thấy tiềm năng lớn tại những thị trường cao cấp này. Thế nên, nếu dồn toàn lực xây dựng chiến lược cho từng mặt hàng xuất khẩu, mỗi năm có thể thu thêm vài tỷ USD.

Tại phiên đấu giá hồi giữa tháng 6/2021, ở TP. Perth của Australia, một hộp quả vải tươi Việt Nam duy nhất được mua với giá 3.000 AUD (tương đương gần 52 triệu đồng). Trong khi đó, quả vải thiều cũng có giá cao, lên tới 500.000 đồng/kg tại một số thị trường khó tính ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan... và được người tiêu dùng chuộng mua.

Vải tươi Việt Nam được đấu giá lên tới 52 triệu đồng/kg. (Nguồn: TTXVN)

Sau quả vải, quả xoài xanh được Thương vụ Việt Nam tại Australia giới thiệu với mức giá 300.000 đồng/kg. Một số chuỗi nhà hàng tại Sydney đã đưa xoài xanh vào thực đơn, tình nguyện quảng bá, tiếp nhận đặt mua và giao hàng tận nơi cho khách.

Hay, nhãn lồng Việt cũng được đóng hộp bày bán trong các siêu thị tại Đức, Hà Lan, với giá từ 430.000-490.000 đồng/kg, cao gấp 15-20 lần giá bán trong nước. Thứ quả tiến vua này còn xâm nhập vào Singapore, phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp với giá 220.000 đồng/kg.

Đại diện một DN xuất khẩu chia sẻ, năm 2021 có xuất nhãn sang châu Âu, Mỹ và một vài thị trường tại châu Á, nhưng chủ yếu mang tính chất chào hàng, thăm dò thị trường. Giá bán cao nhưng hàng xuất được số lượng còn khiêm tốn.

Năm 2021, không dừng ở quả vải, nhãn,... các doanh nghiệp còn liên kết với cơ quan chức năng của Việt Nam tại Australia chào bán quả sấu ở thị trường này với giá 300.000 đồng/kg. Lần đầu tiên loại quả này xuất ngoại, mang về 6,5 tỷ đồng.

Sang đầu năm mới 2022, quả thanh long tiếp tục được chào bán tại các siêu thị ở Tây và Nam Australia với giá 200.000 đồng/kg.

Ông Như Nguyễn, đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam, cho biết, tại Hà Lan, thanh long được coi như siêu thực phẩm. Muốn mua không dễ, vì thanh long chỉ bán ở các siêu thị dành cho người châu Á với giá khoảng 600.000 đồng/kg.

Ông Như đánh giá châu Âu là thị trường tiềm năng vì người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn, số lượng rất đông. Trong khi, mặt hàng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam đa dạng và đặc trưng, dư địa phát triển thị trường này rất lớn nếu có chiến lược và hướng đi đúng đắn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, người tiêu dùng EU đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi lợi thế EVFTA mang lại rõ dần. Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi vải thiều, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh,... trở thành hàng hot, món quà quý trao tặng nhau .

Các FTAs mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt, trong đó có mặt hàng trái cây vào được thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Tuy nhiên, muốn tận dụng được lợi thế này, chúng ta phải chuyển đổi quy trình sản xuất để làm hàng chất lượng gắn với mã số vùng trồng, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đến quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Hong Kong (Trung Quốc), trở thành nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Hong Kong vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra.

Theo VASEP, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hong Kong đã tăng trưởng trở lại.

VASEP nhận định, tháng 11/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hong Kong tăng gấp đôi so với tháng trước đó và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau ba quý đầu năm XK sang thị trường này bất ổn thì quý cuối năm đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.

Tính tới nửa đầu tháng 12/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hong Kong đạt 416 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị giảm sút này là do trong suốt ba quý đầu năm 2021, không chỉ các nhà chế biến cá tra Việt Nam mà cả các nhà chế biến xuất khẩu cá minh thái Nga hay cá hồi Na Uy, tôm Ấn Độ cũng gặp khó do rào cản thương mại.

Trung Quốc đã nhiều lần tăng cường biện pháp kiểm tra thực phẩm nhập khẩu để test Covid-19.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2021, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cho rằng, nguồn cá tra dự trữ của họ để chuẩn bị cho dịp lễ Tết cuối năm hay tới mùa Hè năm 2022 đã cạn nên họ cũng chờ đợi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng.

"Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới", đại diện VASEP nhận định.

Theo nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thị trường Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam trong năm 2022.

Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động do những yếu tố đã được phát hiện trong năm 2021 như chính sách Zero Covid khiến các địa phương ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch.

Xuất khẩu cá ngừ lội ngược dòng ngoạn mục

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2021 sau khi sụt giảm trong quý III/2021, đưa tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ cả năm 2021 lên hơn 759 triệu USD, tăng 17% so với năm 2020.

Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch.

Trong quý 3, các doanh nghiệp thuỷ sản nói chung và cá ngừ nói riêng phải chịu tác động nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư khi phải thực hiện giãn cách xã hội, sau đó dịch lây lan nhanh và mạnh tại các tỉnh phía Nam đã làm đứt gẫy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng.

Xuất khẩu cá ngừ tăng tốc từ cuối năm 2021 nhờ sức mua tăng thì thị trường Mỹ, EU... (Nguồn: Dân Việt)

Cả quý III/2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 165 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng liên tục trong 3 tháng cuối năm.

Sau khi tăng mạnh 51% trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ tháng 12 tiếp tục tăng 61%, đạt trên 87 triệu USD.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 45% với trên 338 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020.

Riêng trong tháng 12/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng trưởng rất ấn tượng 114% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt gần 42 triệu USD.

Trong khi đó, tại thị trường EU sau khi tăng trưởng khả quan trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã giảm 12% trong tháng 12/2021, đạt trên 11 triệu USD. Theo đó, tính cả năm 2021 xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt 144 triệu USD, tăng 6% so với năm 2020.

Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang các nước thuộc khối Hiệp định CPTPP cũng đã tăng trở lại trong tháng 12.

Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này trong tháng 12/2021 đạt 9,5 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.

(tổng hợp)