Các nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam. (Nguồn: Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) |
Các FTA đang hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) dẫn chứng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là FTA với 27 quốc gia EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã tác động tích cực rõ ràng tới xuất khẩu. Khi sản xuất, vận chuyển hàng hóa chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thì mắt xích sản xuất tại Việt Nam vẫn được duy trì đã nối liền mạch cung ứng cho các nhà mua hàng.
Ngành giày dép có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cao nhất, trên 90%, tiếp theo là các ngành thủy sản (73%); rau quả (62%); túi xách, vali (gần 54%)...
Đóng góp gần 40 tỷ USD trong năm 2021, ngành dệt may được nhận định có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhờ hệ thống FTA đang thực thi. Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu ở kịch bản cao được ngành dệt may đặt ra là trên 43 tỷ USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, hiện nay, toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022. Thậm chí, một số mặt hàng như veston sau khoảng 15 tháng liên tiếp bị sụt giảm vì đại dịch, thì năm nay đã kín đơn hàng đến hết tháng 9/2022. Doanh nghiệp đang mở rộng năng lực sản xuất.
Chia sẻ về việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA hiện có, ông Việt cho biết, May 10 đang phát huy lợi thế từ 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA, trong đó, việc khai thác các thị trường là thành viên EVFTA thuận lợi hơn, bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu còn rất thấp.
Có thể thấy, vượt qua 2 năm đại dịch đầy thách thức, đến nay, các doanh nghiệp đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó, xoay chuyển tình thế để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Sự thích ứng này thể hiện ở mức tăng trưởng xuất khẩu 19% và xuất siêu trên 4 tỷ USD trong năm 2021.
Bước sang năm thứ 3 đại dịch, khi vaccine phòng Covid-19 đã được bao phủ ở mức cao, việc giữ cho các nhà máy luôn sáng đèn, sản xuất đạt hiệu suất cao chắc chắn là điểm nhấn để các nhà mua hàng tiếp tục chọn Việt Nam là đối tác.
Một tín hiệu tốt lành là lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 kể từ khi Covid-19 bùng phát. Những động thái này được kỳ vọng sẽ góp phần đưa xuất khẩu cán đích mục tiêu tăng trưởng 6 - 8% trong năm nay.
Lập mã vùng trồng chuối hướng tới xuất khẩu bền vững
Để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, hướng tới xuất khẩu bền vững, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng chuối.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội.
Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các Hiệp định thương mại tự do mới Việt Nam ký kết, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống/tiêu chuẩn OTAS; khảo sát, đánh giá vùng trồng; thu thập thông tin vùng trồng, tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm...
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối ngày càng nâng cao.
Trên cơ sở nền tảng việc cấp mã vùng trồng chuối đang triển khai hiệu quả, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ trồng mới 25ha, quy mô 5ha trở lên; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu 10ha, quy mô 3ha trở lên ở mỗi điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết hướng tới xuất khẩu...
Giá xăng dầu tăng kỷ lục, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thêm thuế nhập khẩu
Ngày 13/3, GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội khóa XV, cho hay, hiện nay, tình hình các doanh nghiệp khó khăn, đồng thời, chúng ta đang cần phục hồi nền kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nên cần thiết phải có biện pháp kiềm chế giá.
Giá xăng dầu tăng chóng mặt trong thời gian qua. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Theo ông Hoàng Văn Cường, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, cần tính đến thuế nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu trong nước cao hơn giá nhiều nước trên thế giới, phải tính giảm thuế nhập khẩu, thậm chí xuống bằng 0 thay vì ưu tiên giảm thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm thuế nhập khẩu để tăng nguồn cung từ bên ngoài, khi nguồn cung dồi dào giá sẽ ổn định.
Về lâu dài, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá xăng dầu tăng chủ yếu do nguồn cung khan hiếm, giá dầu thế giới tăng cao. Do đó, bên cạnh chính sách về thuế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất trong nước như đẩy mạnh khai thác dầu thô, đưa các nhà máy lọc hóa dầu hoạt động công suất tối đa...
"Khi nguồn cung hạn hẹp, chính sách thế nào giá cũng tiếp tục tăng. Do vậy, đẩy mạnh sản xuất trong nước nhằm tăng nguồn cung mới là giải pháp cốt lõi để chủ động bình ổn nguồn cung, không bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường thế giới và thu được lợi ích nhiều hơn khi giá ở mức cao", ông Cường nói thêm.
Trái cây cấp đông phải đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc
Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa bổ sung sản phẩm trái cây cấp đông, bảo quản lạnh của Việt Nam vào danh mục sản phẩm phải đăng ký bởi cơ quan chức năng Việt Nam trước khi xuất khẩu sang nước này.
Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc mới đây thông báo về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc bổ sung sản phẩm trái cây cấp đông, bảo quản lạnh vào danh mục sản phẩm phải đăng ký bởi cơ quan chức năng Việt Nam.
Nhóm mặt hàng này được giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý và đăng ký doanh nghiệp.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đã có công văn gửi đến Cục Bảo vệ thực vật đề nghị phối hợp, triển khai thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Quy định trên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu mới về tăng cường quản lý 18 nhóm sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào nước này. Các doanh nghiệp bắt buộc đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới được xuất sang thị trường này. Hải quan Trung Quốc sẽ phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro.
Thị trường xuất khẩu gạo sôi động
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đồng loạt tăng, sau 1 tuần chững lại trước đó.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.625 đồng/kg, giá bình quân là 5.507 đồng/kg, tăng 79 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.050 đồng/kg, trung bình là 6.520 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng tăng tốt. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.160 đồng/kg, tăng 14 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.958 đồng/kg, tăng 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.675 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.200 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg.
Lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho hỏi mua đều. Bên cạnh giá các mặt hàng lúa gạo tăng, phụ phẩm tấm, cám khô cũng hút hàng, giá tiếp tục có xu hướng tăng. Thị trường giao dịch sôi động.
Hiện toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 30% diện tích lúa Đông Xuân, trong đó chủ yếu là Đài thơm 8 và OM 18; lúa IR504 và OM5154 khan hàng.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo đang thuận lợi bởi, nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga–Ukraine khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Xuất khẩu gạo năm nay đã sôi động ngay từ những tháng đầu năm, báo hiệu một năm thuận lợi hơn về đầu ra của lúa gạo Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy) |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 1/2022 và giảm 2,1% về giá. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 52% về lượng, tăng 33,2% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá.
Trong tháng 2/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 30,4% về lượng và tăng 27,2% kim ngạch so với tháng 1/2022, đạt 305.180 tấn, tương đương 140,14 triệu USD. So với tháng 2/2021 tăng rất mạnh 254,9% về lượng, tăng 203% kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá.
Thị trường Trung Quốc cũng tăng 21,3% về lượng và tăng 15% kim ngạch, đạt 44.878 tấn, tương đương 21,83 triệu USD; nhưng so với tháng 2/2021 thì giảm mạnh 55,7% về lượng, giảm 59% kim ngạch và giảm 7,9% về giá.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 95.946 tấn, tương đương 38,02 triệu USD, giá 396,3 USD/tấn, tăng 205,7% về lượng và tăng 127,8% kim ngạch nhưng giảm 25,5% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,9% trong tổng lượng và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu gạo năm nay đã sôi động ngay từ những tháng đầu năm, báo hiệu một năm thuận lợi hơn về đầu ra của lúa gạo Việt Nam. Trên bình diện ngành lúa gạo toàn cầu, trong năm nay, cả sản lượng lẫn tiêu thụ đều được dự báo tăng, nhưng mức tăng tiêu thụ cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam.