📞

Xuất khẩu ngày 13-17/12: Xuất khẩu lập 'đỉnh' mới; nhiều dư địa cho hàng Việt vào thị trường Anh

Vân Chi 11:35 | 17/12/2021
Xuất khẩu năm 2021 có thể đạt đỉnh mới bất chấp dịch bệnh Covid-19, cá ngừ Việt Nam "đắt khách" tại thị trường Australia, ngành logistics gặp nhiều thách thức... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 13-17/12.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021, ngày 15/12. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu năm 2021 chinh phục đỉnh cao mới

Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 300 tỷ USD và dự báo cả năm đạt 330 tỷ USD.

Số liệu trên được Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021, ngày 15/12.

Có 34 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên sau 11 tháng, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép, gỗ, sắt thép...

Theo ông Khánh, sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt 330 tỷ USD. Như vậy, so với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 thì xuất khẩu năm nay tăng trên 48 tỷ USD và tăng 66 tỷ USD so với năm 2019.

Kết quả này có được, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vừa qua. "Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh", ông nhìn nhận.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến xúc tiến thương mại xuất khẩu theo phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm "không còn nhiều không gian", thay vào đó là sự chuyển dịch sang nền tảng số. Điều này đòi hỏi sự chuyển dịch, thích ứng từ cấp quản lý ngành, tới địa phương và trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thị trường Australia "chuộng" cá ngừ Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường Australia đang tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ. Các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu chủ lực sang thị trường Australia gồm: Cá ngừ ngâm dầu đóng hộp hay đóng túi, thịt/philê cá ngừ động lạnh, thịt cá ngừ cắt miếng đông lạnh…

“Số liệu tháng 11 đang tiếp tục cập nhật, nhưng chỉ tính riêng 10 tháng năm 2021, Australia là một trong số ít các thị trường có tăng trưởng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam ở mức cao tới ba con số.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 2,7 triệu USD, tăng 103% so với cùng kỳ năm trước. Liên tục từ đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng trưởng cao” - bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ (VASEP) thông tin.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), hiện tại so với Thái Lan và Indonesia, giá các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam thấp hơn, trong khi chất lượng không hề thua kém. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam, cho thấy các doanh nghiệp cố gắng mở rộng thị phần tại thị trường tiềm năng này.

Cũng theo ITC, trong suốt 3 quý của năm 2021, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines là 4 nguồn cung cá ngừ hàng đầu cho thị trường Australia, trong đó, Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 3, chiếm 1,6% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Australia (Thái Lan có tỉ trọng cao nhất: 73%, Indonesia: 23%).

Trong tháng cuối cùng của năm 2021, VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Australia tiếp tục lạc quan do từ năm 2020, thị trường cá ngừ nội địa của Australia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhập khẩu cá ngừ của Australia cũng bị sụt giảm trong khi nhu cầu đối với mặt hàng này của người dân Australia lại tăng do quốc gia này thay đổi phương thức chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhà hàng đẩy mạnh bán hàng "giao tận cửa"... nên nhu cầu tiêu thụ cá ngừ lại phục hồi nhanh.

Nhiều dư địa gia tăng hàng Việt vào thị trường Anh

Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam - Anh, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ.

Bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), thích nghi với môi trường kinh doanh và chính sách thay đổi sau Brexit.

Kết quả thương mại hai chiều Việt Nam và Anh 10 tháng năm 2021 đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 25,7%.

“Đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đa dạng hóa mặt hàng sang thị trường Anh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt nhất trong 10 tháng năm 2021 gồm cao su tăng 85%, hàng rau quả 73%, sản phẩm mây tre, thảm 61%, đặc biệt các sản phẩm từ sắt thép, sắt thép các loại có mức tăng trưởng đột biến, lần lượt tăng 138% và 1.405%”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Ông Tạ Hoàng Linh phân tích thêm, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Anh có sự tăng trưởng đột biến ở một số nhóm hàng bao gồm sản phẩm hóa chất, dược phẩm, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày...

Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên thị phần hàng hóa Việt Nam tại khu vực này chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu của Anh. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập cũng như gia tăng thị phần tại thị trường này.

Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách của Anh hậu Brexit và trong đại dịch Covid-19 là chiến lược “nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh” và tăng cường hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn đầu tư từ Anh sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Một container hàng xuất khẩu "gánh" 10 loại phí

Chiều 14/12, Bộ Công Thương phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức diễn đàn logistics VN 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho hay khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp logistics đang gặp phải là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục và sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, hiện một container hàng xuất phải chịu hơn 10 loại phí. Có thể kể đến là phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. (Nguồn: Báo Giao thông)

Trong khi đó, theo VASEP, từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container với mức tăng từ 2 - 10 lần (tùy theo chặng). Cùng với những bất cập về giá cước, phụ phí hãng tàu nước ngoài đang thu cũng trở thành gánh nặng đối với chủ hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan là sự thiếu hụt nhân lực, nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển.

Sự khó khăn này sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Dù vậy, ông Diên cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19 và thực tế đã đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt không thể né phòng vệ thương mại

Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây thường xuyên liên quan đến các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất cao. Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước chú ý và điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt là do việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại (FTA).

Trong bối cảnh đó, để hạn chế tổn thất, doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), một trong những công cụ mà các nước sử dụng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp được sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế và ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Ở Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các biện pháp phòng vệ thương mại, kể cả với hàng xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng lớn.

Ở chiều xuất khẩu, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc thì con số này trong giai đoạn 2011 - 2015 là 52 vụ.

“Hàng hóa mà chúng ta đang bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại rất đa dạng, nhiều nhất là kim loại, nông sản, da giày, sợi… Hầu hết các nước điều tra áp dụng phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những nước chúng ta đã ký FTA. Hai thị trường thường xuyên điều tra Việt Nam nhưng chúng ta chưa ký FTA là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Giang cho biết.

(tổng hợp)