📞

Xuất khẩu ngày 14-16/8: Cà phê đặc sản sắp cập bến Anh, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Gia Thành 08:28 | 16/08/2021
Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chi hơn 750 triệu USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt, Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF Việt Nam... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 14-16/8.
Bản tin xuất khẩu: Nửa đfâu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 379,64 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 750,7 triệu USD. (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, Trung Quốc chiếm tỷ trọng xấp xỉ 34% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc trong tháng 7 là máy móc thiết bị với kim ngạch đạt gần 2,5 tỷ USD.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng “tỷ USD” còn lại trong tháng với kim ngạch đạt hơn 1,97 tỷ USD. Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như vải; sắt thép; nguyên phụ liệu dệt may; chất dẻo nguyên liệu…

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, cả nước chi 62,868 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc (tương đương khoảng 1,44 triệu tỷ đồng).

Quốc gia này tiếp tục duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ 2020, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thêm tới gần 21 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 50%).

7 tháng đầu năm, có tới 12 nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm đạt trên 10 tỷ USD.

Ở chiều xuất khẩu, hết tháng 7/2021 đạt kim ngạch 28,55 tỷ USD. Việt Nam có 8 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Hai vị trí dẫn đầu liên quan đến mặt hàng công nghệ là điện thoại và linh kiện (đạt 6,57 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện (đạt 5,88 tỷ USD). Các nhóm hàng nông sản như rau quả, cao su cũng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Như vậy, hết tháng 7/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 91 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 34 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê đặc sản sang Anh

Gần 20 tấn cà phê đặc sản trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ cập bến thị trường Anh vào đầu tháng 9/2021.

Với nhu cầu tiêu dùng cà phê chiếm đến 30% toàn cầu, châu Âu là thị trường cà phê "hấp dẫn" nhất thế giới. Ngoài cung cấp cà phê chất lượng cao, để mở rộng thêm kênh tiêu thị và tăng giá trị, một số doanh nghiệp đang nỗ lực xuất khẩu cà phê đặc sản sang thị trường này.

Gần 20 tấn cà phê đặc sản trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ cập bến thị trường Anh vào đầu tháng 9 năm nay. Đây cũng là lô cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam được đối tác châu Âu chấp nhận vì đã đảm bảo đúng các tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao hơn các chủng loại thông thường.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho biết: "Để đạt được đơn hàng lớn với khách hàng nước ngoài rất khó, phải qua rất nhiều năm. Qua từng năm chúng tôi thấy việc trao đổi với khách hàng rất quan trọng.

Hiện nay các doanh nghiệp đã tăng chất lượng và thắt chặt các mối quan hệ dài hạn với đối tác nước ngoài nhằm phổ biến dòng sản phẩm này trên thị trường thế giới".

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: "Tỷ lệ tiêu dùng cà phê đặc sản luôn gia tăng hàng năm 10%, trong khi cà phê thông thường gia tăng tiêu thụ khoảng 2%. Có một số thị trường đã sử dụng cà phê đặc sản Robusta trong tiêu dùng nên chúng ta sẽ có cơ hội phát triển cà phê đặc sản".

Chi hơn 750 triệu USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 379,64 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 750,7 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 53,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.977 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, với 65,92 nghìn tấn, trị giá 213,05 triệu USD, tăng 69,5% về lượng và tăng 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng đối mặt hàng thịt lợn, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.314 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình mỗi kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá hơn 2,3 USD/kg (chưa tính thuế phí), tương đương hơn 50.000 đồng/kg.

Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 11,6%. Dự báo, trong quý III/2021 sản lượng thịt lợn đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Mặc dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả lợn, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn do vẫn còn thâm hụt cung – cầu.

Báo cáo phân tích thị trường của Ngân hàng Rabobank, động lực nhập khẩu mạnh sẽ có thể tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, giá thịt lợn nhập khẩu có thể giảm do cạnh tranh thương mại toàn cầu đang tăng lên khi nhu cầu tại Trung Quốc yếu đi.

Trung Quốc điều chỉnh chính sách thuế với sản phẩm gang thép xuất nhập khẩu

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), đầu tháng 5/2021 và cuối tháng 7/2021 vừa qua, Tổng cục Thuế quốc gia (Bộ Tài chính Trung Quốc) đã tiến hành 2 lần điều chỉnh chính sách thuế đối với nhiều sản phẩm gang thép xuất nhập khẩu.

Tại lần điều chỉnh tháng 5/2021, Trung Quốc quyết định áp mức thuế 0% tạm thời đối với một số nguyên liệu sản xuất thép nhập khẩu từ ngày 1/5/2021. Cụ thể gồm: Gang, thép thô, nguyên liệu thép tái chế (thép phế liệu) và hợp kim Ferrochrome.

Nước này cũng tăng thuế xuất khẩu lên 25% đối với sản phẩm hợp kim Ferrosolicon; tăng thuế xuất khẩu tạm thời (từ 10%) lên 15% đối với sản phẩm gang có độ tinh khiết cao; tăng thuế xuất khẩu tạm thời (từ 15%) lên 20% đối với sản phẩm hợp kim Ferrochrome và ngừng chính sách hoàn thuế đối với 146 sản phẩm gang thép xuất khẩu.

Tại lần điều chỉnh tháng 7/2021, Tổng cục Thuế quốc gia tiếp tục bổ sung 23 sản phẩm thép khác vào diện ngừng hoàn thuế xuất khẩu.

Như vậy, danh sách sản phẩm gang thép bị ngừng hoàn thuế xuất khẩu sau hai lần điều chỉnh đã lên đến 169 sản phẩm (mã HS 8 số), trong đó có một số sản phẩm thép được Việt Nam nhập khẩu khá nhiều từ Trung Quốc.

Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành quyết định không áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm gỗ MDF có độ dày dưới 6mm nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, vụ việc được Tổng vụ Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Ấn Độ) khởi xướng điều tra từ tháng 4/2020. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2019 (giai đoạn trước khi Ấn Độ khởi xướng điều tra), tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ MDF dưới 6mm của Việt Nam sang Ấn Độ là 2,3 triệu USD.

Cùng ngày, Cục Phòng vệ thương mại thông báo, theo đề nghị của các bên liên quan, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ cũng đã thông báo gia hạn thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi vụ việc Ấn Độ điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CBPG đối với sản phẩm sợi đàn hồi filament có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam tới ngày 20/8.

Theo đó, các bên liên quan cần nộp bản trả lời theo địa chỉ email: adg15-dgtr@gov.in; adv13-dgtr@gov.in; dir16-dgtr@gov.in; dd15-dgtr@gov.in.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan đọc kỹ hướng dẫn, trả lời và nộp Bản câu hỏi theo đúng thời hạn và thể thức do Cơ quan điều tra của Ấn Độ yêu cầu, chủ động liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục để trong trường hợp cần hỗ trợ.

Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác, hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc DGTR sử dụng các chứng cứ bất lợi làm căn cứ và cơ sở cho việc tiếp tục áp dụng thuế CBPG, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ cạnh tranh Ấn Độ hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác.

(tổng hợp)