📞

Xuất khẩu ngày 14-18/11: Viên nén 'thăng hoa', đồ gỗ sụt giảm; cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường Argentina

Vân Chi 11:09 | 18/11/2022
Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023; viên nén gỗ "đắt hàng", đồ gỗ sụt giảm; cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường Argentina... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 14-18/11.
Ngành gỗ Việt đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường Hoa Kỳ, EU giảm nhập khẩu. (Nguồn: VnEconomy)

Ngành gỗ: Viên nén “thăng hoa”, đồ gỗ sụt giảm

Mặc dù xuất khẩu của toàn ngành gỗ trong 10 tháng đầu năm đạt giá trị 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, có nhiều biến động trái chiều giữa các nhóm sản phẩm trong ngành này. Trong khi xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng rất mạnh, xuất khẩu đồ gỗ chỉ tăng nhẹ 2,7% và sự tăng trưởng của đồ gỗ là nhờ thị trường châu Á, nhưng lại suy giảm nghiêm trọng ở các thị trường Hoa Kỳ và EU…

Thị trường xuất khẩu dăm gỗ và viên nén chủ yếu là khu vực châu Á, do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh các quốc gia này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Các thương nhân Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam không chỉ phục vụ cho ngành sản xuất giấy của nước này, mà còn làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất viên nén ở Trung Quốc.

Trái ngược với sự tăng trưởng ngoạn mục của dăm gỗ và viên nén, xuất khẩu đồ gỗ 10 tháng chỉ tăng nhẹ, với kim ngạch 9,3 tỷ USD, tăng 2,7%. Xuất khẩu đồ gỗ đến các nước châu Á vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, nhờ vậy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á trong 9 tháng năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021

Nhiều năm qua, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chủ yếu tới khu vực châu Mỹ và EU, trong đó Hoa Kỳ chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch ngành gỗ trong năm 2021. Thế nhưng trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh, chỉ còn chiếm 53% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Điển hình như đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022 xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 87,93% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ), giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, trị giá xuất khẩu đồ gỗ sang EU sau 10 tháng năm 2022 cũng chỉ đạt 784 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng không chỉ ở Hoa Kỳ, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đồ gỗ.

Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt, cho biết thêm, các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, sản phẩm tồn kho ngày càng nhiều. Cụ thể, đơn hàng quý 3 của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40-50%, sang quý 4 còn sụt giảm hơn và hiện vẫn chưa có đơn hàng cho năm mới.

Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023

Tại Hội nghị “Tổng kết ngành Da giày năm 2022” ngày 16/11, báo cáo về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu ngành da giày năm 2022 và chiến lược phát triển ngành trong năm 2023, ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam - cho biết: Tình hình hiện nay trên thế giới đang tác động rất lớn tới ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 9/2022 đạt 2 tỷ USD, giảm 30% so với tháng 8/2022 (2,6 tỷ USD).

Tính chung, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 21 tỷ USD, cao hơn so với cả năm 2021 (20,78 tỷ USD). Như vậy có thể nói, những tháng cuối năm xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhưng ngành vẫn có thể đạt được kế hoạch đề ra. Dự kiến Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD.

Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày - Túi xách, năm 2022, mặc dù ngành da giày – túi xách vượt qua được nhiều khó khăn thách thức để đạt được kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Song điều này không có gì bảo đảm rằng ngành sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành. Điều này đòi hỏi toàn ngành và từng doanh nghiệp phải thận trọng lèo lái các mặt hoạt động để giảm được tối đa các thiệt hại, duy trì hoạt động trong một giai đoạn cực kỳ khó tiên lượng.

Tuy nhiên, từ những phân tích của các chuyên gia, đại biểu tại hội nghị về nhưng cơ hội và thách thức trong nước và quốc tế năm 2023, Hiệp hội Da giày- Túi xách đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022, đạt khoảng 26,5-27 tỷ USD.

Cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường Argentina

Chia sẻ tại buổi giao lưu thương mại giữa Việt Nam và Argentina ngày 15/11, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho hay Argentina là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ Latin, sau Brazil và Mexico. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của nước này tại khu vực Đông Nam Á và thứ sáu trên phạm vi toàn cầu.

Nông sản Việt có nhiều tiềm năng để xâm nhập thị trường Argentina. (Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Tuy nhiên, theo ông Thành, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Đặc biệt, nông sản Việt sang thị trường này còn thấp.

"Thanh long, xoài, mít của Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng luôn cải thiện. Chúng tôi muốn các sản phẩm này xuất vào thị trường Argentina nhiều hơn", ông Thành nói và cho biết thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ... cũng đang là thế mạnh mà Việt Nam muốn tiếp cận nhiều hơn ở thị trường này.

Trước đó, hôm 14/11, trong buổi tiếp đoàn lãnh đạo từ Argentina, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương của Argentina tạo điều kiện nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, dệt may, hạt điều, máy móc, trái cây, thiết bị điện tử... Mục tiêu, hai bên cùng xây dựng cán cân thương mại bền vững, có lợi.

Để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo María Beltramino khẳng định sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, lên kế hoạch các chương trình trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.

Theo ông Luis Pablo María Beltramino, 10 năm gần đây, Argentina ghi nhận hàng hóa xuất sang Việt Nam tăng trưởng 600%. Các mặt hàng mà nước này xuất sang Việt Nam như chất dinh dưỡng làm thức ăn gia súc, dạng viên và dạng bột đậu nành, đậu, bông gòn, đồ gỗ, da, sữa. Đặc biệt cách đây gần một tháng, trái chanh Argentina đã cập bến và bán tại Việt Nam.

Trong lần xúc tiến này, có khoảng 100 doanh nghiệp của hai bên tham gia kết nối. Đây là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên về thịt gia cầm, thịt bò, nhà sản xuất bơ, phô mai, sữa bột...

10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt hơn 756 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu đạt 3,44 tỷ USD, tăng 12%.

(tổng hợp)