📞

Xuất khẩu ngày 15-17/7: Đồng Euro mất giá, chuyên gia gỡ vướng giúp doanh nghiệp; đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu

Vân Chi 14:00 | 18/07/2022
Chuyên gia hiến kế cho doanh nghiệp xuất khẩu khi đồng Euro mất giá; xuất khẩu cá ngừ khởi sắc, ngành ong mật gặp rào cản phòng vệ thương mại... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 15-17/7.
Đồng Euro mất giá đang ảnh hưởng đáng kế đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Đồng Euro mất giá, chuyên gia hiến kế cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đồng Euro mất giá trong những ngày qua khi tỷ giá đồng tiền này liên tục giảm và đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và gần như tương đương với đồng USD.

Trong phiên giao dịch chiều 15/7, tỷ giá đồng Euro giảm xuống mức 0,999 USD so với đồng bạc xanh sau dữ liệu, phá vỡ ngưỡng ngang giá lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2002.

Việc đồng tiền này mất giá đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay Việt Nam đồng lên giá so với đồng Euro, nhưng lại mất giá so với đồng USD. Trong khi đó, với hoạt động ngoại thương đồng USD là thị trường lớn nhất, EU là thị trường lớn thứ 2. Hai thị trường này sẽ bổ sung qua lại, nên về mặt xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, hàng hóa bán sang EU chủ yếu là hàng điện tử, nông sản, hàng may mặc, tiêu dùng…. Đây đều là những mặt hàng có thể chống đỡ được với khủng hoảng. Chính vì vậy, lượng xuất khẩu sang thị trường EU vẫn sẽ duy trì ở mức tốt.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nền kinh tế châu Âu đang rơi vào suy thoái do tác động từ dịch Covid-19 cùng với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng khiến đồng Euro mất giá liên tục trong thời gian qua. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU.

Cụ thể, trong quan hệ thương mại với EU, doanh nghiệp có hai dạng thanh toán chính là thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng Euro. Do đó, khi một trong hai đồng tiền này giảm giá thì xuất khẩu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì nhập khẩu sẽ có lợi khi mua được hàng hóa với mức giá rẻ hơn.

Cũng theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, điều quan trọng hiện nay không phải là tìm cách giảm tác động từ đồng Euro mất giá mà thay vào đó là doanh nghiệp phải làm sao để bán được hàng qua châu Âu.

Mỹ và EU là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với 2 thị trường này đều có bước tiến mạnh. Việc tăng cường xuất khẩu vào những thị trường khó tính này sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này chủ yếu là hàng nông sản và hàng tiêu dùng nên nhu cầu thị trường luôn ở mức cao, nên doanh nghiệp phải làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu, nhằm giữ được thị phần và thị trường”, ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, nếu phá giá VND không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài.

Do đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.

Tốt nhất, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD hay đồng Euro.

Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ khởi sắc

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 553 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn nguồn từ Hải quan.

Hiện xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt, trong đó, Mỹ tăng mạnh nhất. Nửa đầu năm, tổng giá trị xuất cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 300 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ 2021.

Nguyên nhân là do nhu cầu tại Mỹ tăng, trong đó, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) thấp, điều này đã ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt của Mỹ. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tăng lên.

Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ sang khối CPTPP cũng khá khả quan, trong đó, xuất sang Canada tăng 68%, sang Nhật Bản tăng 26% và sang Mexico tăng 30%. Ngoài ba thị trường lớn trên, 6 tháng đầu năm, xuất cá ngừ sang Thái Lan tăng 59%; Philippines tăng 86%...

Với thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ trong 6 tháng đầu năm đạt 77 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Đây là nhóm có mức tăng trưởng thấp nhất do xuất khẩu 3 tháng gần đây liên tục sụt giảm. Việc đồng EUR mất giá, trong khi USD tăng mạnh đẩy giá hàng hóa đắt đỏ.

VASEP dự báo xuất cá ngừ trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2021.

Mặc dù VASEP dự đoán tình hình xuất khẩu khả quan nửa cuối năm, giá dầu tăng cao đang khiến nhiều tàu cá nằm bờ gây sụt giảm nguồn cung. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất cá ngừ phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam. Điều này đã khiến các lô hàng cá ngừ của Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA so với các nước đối thủ khác.

Rào cản phòng vệ thương mại cản bước mật ong Việt

Ngành nuôi ong tiếp tục gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến người nuôi ong bỏ nghề hàng loạt. Cung giảm hơn cầu đang là nguyên nhân khiến giá mật ong trên thị trường hiện nay tăng cao nhưng người nuôi vẫn khó khôi phục sản xuất.

Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%. Sau đó, mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Mỹ áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, xuống còn 58,74-61,27%.

Việc các nước nhập khẩu ong áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã tạo thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong và sinh kế của người nuôi ong. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam ở thế yếu khi cạnh tranh với mật ong của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ.

Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam lên 58,74-61,27%. Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.

Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới ngày càng khốc liệt. Các nước nhập khẩu mật ong áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng gia tăng các hàng rào kỹ thuật với mặt hàng này. Đây không chỉ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong mà đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân nuôi ong.

Đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu

Trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới, trong khi nguồn cung trong nước gặp sự cố kỹ thuật nên Bộ Tài chính đã sớm dự thảo nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Hiện Bộ Tài chính đã nhận được 63 công văn tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có 16 bộ, cơ quan ngang bộ; 39 UBND các tỉnh, thành phố; VCCI; Hiệp hội Xăng dầu…. Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Tuy nhiên, do dự thảo Nghị định sửa đổi nhiều nội dung phức tạp, quy mô lớn, có tính kỹ thuật (Biểu thuế gần 1.000 trang) nên cũng cần phải rà soát kỹ. Bên cạnh đó, sau khi dự thảo được gửi xin ý kiến đã phát sinh thêm một số vấn đề cần phải tiếp tục tham vấn các đơn vị có liên quan.

Hiện giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm Việt Nam còn ở mức cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc xây dựng Dự án Nghị định theo trình tự, thủ tục thông thường sẽ không đảm bảo tính kịp thời, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn diễn biến phức tạp.

Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tách nội dung điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn để có thể áp dụng hiệu lực ngay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tìm nguồn cung.

Vì xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, việc giá xăng dầu tăng cao và thiếu hụt nguồn cung xăng dầu sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân. Gián đoạn nguồn cung xăng dầu còn có thể gây đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án trước đó đã gửi xin ý kiến (giảm từ 20% xuống 12%).

(tổng hợp)