Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. (Nguồn: VASEP) |
Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Trung Quốc tăng vọt
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bắt đầu kể từ tháng 8/2021, các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đồng loạt sụt giảm,Trung Quốc là một trong số ít thị trường có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng 332% so với cùng kỳ năm trước.
Tính luỹ kế 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,6 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ. Từ cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thêm vào đó, sự bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 7 đã làm xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 chiếm tới 66% tổng giá trị xuất khẩu, tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 19%.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, hiện có khoảng 23 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Đồng bằng sông Cửu Long tốt hơn, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, xuất khẩu ổn định, việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường này sẽ duy trì đà tăng trưởng cao.
Lưu ý khi đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ). Trong bối cảnh dịch Covid-19, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thương mại toàn cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp bị hủy bỏ, thì thị trường EU với việc kiểm soát tốt dịch Covid- 19, đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.
Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện đã có mặt hơn 180 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU… Đáng chú ý, có 9 nhóm sản phẩm nông nghiệp, luôn giữ vị trí cao trong “top” kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, đặc biệt trong đó có tôm, rau quả, hạt điều, gạo, là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 3 tỷ USD/năm.
Trong những tháng vừa qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đã khiến đứt gãy nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng với thị trường EU, nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này luôn tăng ở mức cao như: Đức 458 triệu USD, Hà Lan 363 triệu USD… trong 8 tháng đầu năm 2021 (mức này tăng cao hơn so cũng kỳ năm 2020).
Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng của hàng nông sản Việt Nam khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi, được xuất khẩu trực tiếp sang một số nước EU bởi các doanh nghiệp Việt Nam sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng, siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại EU.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường EU trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, cũng như tăng cường các hoạt động thương mại và tìm kiếm cơ hội, đối tác tiềm năng, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) vừa phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về vấn đề này.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan lưu ý: Các doanh nghiệp muốn tìm kiếm thông tin thị trường thì thông qua thương vụ các nước tại EU, các thông tin này đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó còn có trang web quy định chính sách của EU đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể, đăng tải trên trang web của EU.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp Việt kiều vì họ hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng EU cũng có công rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp Việt đưa hàng vào các kênh phân phối", bà Diệp lưu ý.
Xuất siêu đang tăng dần về cuối năm
Tổng cục Hải quan vừa công bố báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 9/2021 (từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021).
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2021 (từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021) đạt 29,07 tỷ USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2021.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng tính từ đầu năm 2021 đạt 483,82 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 95,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 335,85 tỷ USD, tăng 28% (tương ứng tăng 73,48 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 147,97 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 21,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 9/2021 tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 15,47 tỷ USD, tăng 33,7% (tương ứng tăng 3,9 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 9/2021.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 9/2021 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 9/2021 ở một số nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 935 triệu USD, tương ứng tăng 39,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 813 triệu USD, tương ứng tăng 41,1%; sắt thép các loại tăng 426 triệu USD, tương ứng tăng 86,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 292 triệu USD, tương ứng tăng 21,9%...
Cán cân thương mại hàng hóa kỳ 2 tháng 9/2021 thặng dư 1,87 tỷ USD. |
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 240,63 tỷ USD, tăng 18,8%, tương ứng tăng 38,09 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 9/2021 đạt 11,34 tỷ USD, tăng 33,2% tương ứng tăng 2,83 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 9/2021 của nhóm các doanh nghiệp này lên 176,57 tỷ USD, tăng 23,1% (tương ứng tăng 33,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2021 đạt 13,6 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 520 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2021.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 9/2021 tăng so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 397 triệu USD, tương ứng tăng 12,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 258 triệu USD, tương ứng tăng 26,4%; ô tô nguyên chiếc tăng 64 triệu USD, tương ứng tăng 94,8%...
Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 243,18 tỷ USD, tăng 30,8% (tương ứng tăng 57,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,53 tỷ USD, tăng 7,9% (tương ứng tăng 701 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 159,28 tỷ USD, tăng 33,9% (tương ứng tăng 40,36 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Giá cước vận tải biển của Việt Nam thấp nhất trong khu vực trên cùng tuyến
Trong bối cảnh nhiều cảng lớn trên thế giới ùn tắc nghiêm trọng, kéo theo giá cước vận tải tăng phi mã ảnh hưởng không nhỏ tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới khiến tình trạng thiếu container, thiếu tàu liên tục xảy ra, song, các khoản phụ phí hãng tàu áp dụng tại Việt Nam vẫn không tăng, không phát sinh phụ phí mới.
Nhận diện nguy cơ tắc nghẽn tại cảng biển, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị chuyên môn, phân tích tình hình, đề xuất các phương án xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đưa ra cơ chế phối hợp, tập trung di chuyển khẩn cấp các container tồn bãi vào các bãi ICD trong các khu, cụm công nghiệp.
Sau 1 tuần triển khai quyết liệt, đồng bộ, diện tích khai thác cảng Cát Lái được đưa về ngưỡng an toàn, luôn trống từ 25 - 40% công suất bãi, nguy cơ ùn tắc được ngăn chặn và hoạt động tiếp nhận tàu, phục vụ hàng xuất nhập khẩu tại Cát Lái ổn định.
"Với các cảng khác trong cả nước, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải và các doanh nghiệp cảng liên tục rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án di dời container, tăng cường liên kết giữa các cảng trong cùng khu vực và trên cả nước, nếu nguy cơ ùn tắc xuất hiện ở một cảng bất kỳ, dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu không bị gián đoạn. Đến nay, cảng biển Việt Nam không tái diễn tình trạng tắc nghẽn", Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng nhận định, việc bảo đảm ổn định hoạt động khai thác cảng biển không chỉ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông ổn định, duy trì tăng trưởng mà còn mang đến lợi thế cho các hiệp hội, chủ hàng, doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giá cước vận chuyển với hãng tàu.