Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Lợi thế vàng cho xuất khẩu từ UKVFTA
Theo đánh giá của Bộ Công Thương dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều Việt-Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu từ Anh 849 triệu USD, tăng 23,6%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD. Tính đến tháng 11/2022, xuất khẩu sang Anh tăng 9,5% so với cùng kỳ, đạt 5,2 tỷ USD, xuất siêu tiếp tục ghi nhận gần 4,6 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong UKVFTA như dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Christopher Jeffery-Chủ tịch Phòng Thương mại Anh Quốc tại Việt Nam, có thể nhìn nhận dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt mức tăng trưởng cao. Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh.
Dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn, khi hàng Việt Nam xuất khẩu vào Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
Ngoài ra, cùng với sự hiện diện của nhà đầu tư Anh nhiều hơn tại Việt Nam thì thị trường Anh cũng sẽ nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và đấy là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới-ông Nguyễn Anh Dương-Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá.
Xuất khẩu phân bón chính thức “chạm tay” tới con số 1 tỷ USD
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 11 xuất khẩu phân bón đạt 94.104 tấn, tương đương 56 triệu USD, giảm 41% về lượng và giảm 36,5% về giá trị so với tháng 10.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 34% về lượng và gấp gần 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy sau 11 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 84% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD. Con số hơn 1 tỷ USD cũng là thành tích xuất khẩu cao nhất của ngành phân bón cho đến thời điểm này.
Trong tháng 11 giá xuất khẩu phân bón đã tăng 44 USD/tấn so với tháng 10 và giảm 22% so với mức đỉnh tháng 1, xuống còn 592 USD/tấn. Như vậy, giá phân bón xuất khẩu đã lấy lại đà tăng sau 4 tháng liên tiếp lao dốc.
Bình quân 11 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 624 USD/tấn.
Thực tế, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón khá thuận lợi vì xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lên cao, các quốc gia cũng gấp rút tìm mua hàng hóa, chuẩn bị cho vụ mùa.
Bước sang nửa cuối năm, xuất khẩu phân bón đã chững lại, doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm áp lực của tỷ giá, lãi suất cao do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Trước đó, nhận định về thị trường xuất khẩu phân bón năm nay, Tiến sĩ Phùng Hà-Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, xuất khẩu phân bón của Việt Nam năm 2022 có thể vượt con số 1 tỷ USD.
Ông Phùng Hà cũng đưa ra con số, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,16 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, sau hơn 6 năm Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,06 triệu tấn). Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020.
Như vậy, con số xuất khẩu phân bón đạt gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD có thể nói là kỷ lục về xuất khẩu phân bón của Việt Nam từ trước tới nay.
Trong năm 2022, việc xuất khẩu phân bón thuận lợi đã khiến hàng loạt cái tên trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, một số đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền… ghi nhận lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
“Tung hoành” nơi trời Âu-Mỹ, cá tra vẫn khó “bơi” về thị trường trong nước
Tại Hội thảo "thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị cá tra" diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội cá tra lần thứ I diễn ra tại TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian qua ngành hàng cá tra gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu mà quên mất thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng. Do phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nên mỗi khi thị trường quốc tế diễn biến xấu thì mặt hàng cá tra ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Lượng cá tra tiêu thụ nội địa (bao gồm cả cá tươi, đông lạnh, và chế biến) mới chỉ chiếm hơn 6% trong tổng sản lượng cá tra thu hoạch của cả nước. (Nguồn: VnEconomy) |
Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35 kg/năm và dự báo đạt 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi. Thế nhưng, khối lượng và giá trị cá tra tiêu thụ ở thị trường trong nước lại không đáng kể, ước tính chỉ vài trăm tỷ đồng.
Theo ông Toản, chương trình quảng bá, tiêu thụ cá tra và sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai từ năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa mặn mà tiêu thụ sản phẩm này. Có quá nhiều nguyên nhân khiến cá tra vẫn “hụt hơi” tại thị trường nội địa.
TS. Huỳnh Văn Hiền, Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, cho hay qua khảo sát cho thấy chỉ có 3,75% sản lượng cá tra nuôi được bán cho thương lái để phục vụ thị trường nội địa; 96,25% sản lượng cá tra được bán cho cá nhà máy chế biến. Sau khi cá tra được chế biến thì chỉ có 2,25% sản phẩm được bán ở thị trường nội địa, sản lượng còn lại phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Như vậy, lượng cá tra tiêu thụ nội địa (bao gồm cả cá tươi, đông lạnh, và chế biến) mới chỉ chiếm hơn 6% trong tổng sản lượng cá tra thu hoạch của cả nước.
Lý giải về vấn đề này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng tiếp cận với nhiều loài thủy sản khác nhưng sức tiêu thụ cá tra còn ít. Trong khi tại thị trường miền Bắc, tuy rất chuộng con cá tra nhưng cũng không thích ăn sản phẩm đông lạnh, điều này rất khó cho kênh phân phối vì đi xa thì không còn cách nào khác là phải cấp đông.
Việc chế biến thành các sản phẩm ăn liền cũng gặp khó vì khẩu vị của từng vùng, miền khác nhau. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn khó khăn trong việc xây dựng được kênh phân phối tại thị trường trong nước, bởi lâu nay các doanh nghiệp mới chú trọng thị trường xuất khẩu.