Nông sản Việt Nam đang thể hiện sức hút tại thị trường Australia với sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Tin vui cho hàng hóa Việt Nam từ thị trường Australia
Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng trưởng mạnh, thể hiện trên nhiều ngành hàng thương mại nông nghiệp và công nghiệp khác nhau.
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia trong ba tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng 32,36% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 1,38 tỷ USD.
Trong đó, nông sản rau quả tiếp tục là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, mặt hàng cà phê chứng kiến mức tăng lên đến 84% so với cùng kỳ, thủy sản tăng 51%. Mặt hàng gạo sau các đợt xúc tiến mạnh mẽ trong năm 2021, như các sự kiện quảng bá, mời dùng thử gạo Việt Nam tại một số bang lớn của Australia, đã tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh xứ Chuột túi giảm nhập khẩu gạo từ thế giới.
Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp thế mạnh khác của Việt Nam xuất khẩu sang Australia cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, như sắt thép các loại tăng hơn 500%, cao su tăng 41%, dây cáp điện tăng 26%, sản phẩm từ chất dẻo tăng 26,61%, máy vi tính và linh kiện tăng 28,89%.
Ở chiều ngược lại, thị trường lớn nhất châu Đại dương đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho nền sản xuất của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với tư cách là thị trường cung cấp các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu, như than đá, quặng sắt, kim loại, bông, lúa mì, thức ăn gia súc...
Đáng chú ý nhất là kim ngạch nhập khẩu than từ Australia vào Việt Nam sau ba tháng đầu năm 2022 đã tăng 176% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu bông tăng 333% về kim ngạch…
Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện, Thương vụ đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu, góp phần phục vụ nền kinh tế Việt Nam.
Hiện, trên ứng dụng thương mại điện tử của Thương vụ đã đăng tải các thông tin có liên quan về nhà nhập khẩu và giá cả để doanh nghiệp Việt Nam tham khảo.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Australia ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020.
Cũng trong năm vừa qua, Việt Nam và Australia đã hoàn tất ký kết Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế, nhằm hỗ trợ tham vọng chung là đưa hai nước trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Cung cấp thông tin thị trường Algeria cho doanh nghiệp
Tiếp tục chuỗi hoạt động cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, ngày 19/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Algeria sẽ phối hợp tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria.
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria sẽ được tổ chức trực tiếp tại thành phố Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tại phiên tư vấn, các chuyên gia, báo cáo viên của chương trình sẽ thông tin cụ thể về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Algeria đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... Từ đó, doanh nghiệp áp dụng, tuân thủ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… sang thị trường Algeria.
Algeria là một quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi. Đây là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi với tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 là 145,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt khoảng hơn 44 tỷ USD, tương đương 15 tháng nhập khẩu. Dân số Algeria tương đối đông, hơn 44 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2020 là 3.310 USD với sức mua khá lớn.
Ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết: Những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường Algeria có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt…là những sản phẩm quốc gia này không sản xuất được.
Mặc dù được ghi nhận là thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 153 triệu USD. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng cả lượng và giá trị
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam tháng 3/2022 đạt 531 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 263 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 17,7% về giá trị so với tháng trước.
Tổng 3 tháng đầu năm 2022, XK gạo Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 730,7 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo XK của Việt Nam thời gian gần đây duy trì trên mức 400 USD/tấn. Đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, gạo của Việt Nam ở phân khúc gạo 5% tấm đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, lên mức 415 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan (406 USD/tấn).
Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức 395 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn gạo Thái Lan (404 USD/tấn). Còn với gạo 100% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức 360 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan (404 USD/tấn)…
Theo VFA, Thái Lan và Ấn Độ là 2 nguồn cung chính ảnh hưởng đến thị trường thương mại gạo thế giới năm 2022. Chính phủ Thái Lan dự báo XK gạo nước này năm 2022 vào khoảng 7 - 7,5 triệu tấn (năm 2021 là 6,3 - 6,5 triệu tấn; năm 2020 là 5,72 triệu tấn).
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, XK gạo của Thái Lan năm 2022 tăng mạnh nhờ giá chào cạnh tranh. Đối với Ấn Độ, năm 2021 nước này XK 18 triệu tấn gạo các loại, và nguồn cung này dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc có khả năng duy trì mức độ nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường tỷ dân của mình.
Một số thị trường mới nổi cũng được dự báo tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay như Bangladesh, Iran, Sri Lanka… Thị trường châu Âu cũng dự báo sôi động hơn trong thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường châu Phi vẫn ổn định…
Tìm đường cho hàng Việt sang Hong Kong (Trung Quốc)
Hàng Việt đã và đang có nhiều cơ hội tại thị trường Hong Kong. Tuy nhiên, muốn thâm nhập, phát triển tại thị trường này, hàng hoá phải đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe hàng đầu thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng.
Hong Kong là một trong những thị trường tự do, năng động nhất thế giới. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Hong Kong đạt tới 6,4% do kiểm soát tốt dịch bệnh. Hong Kong cũng XK trên 5 tỷ USD và NK gần 600 tỷ USD trong năm 2021.
Theo bà Vũ Thị Thúy, Trưởng Cơ quan Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong (kiêm nhiệm Macao): điểm đáng chú ý tại thị trường này là không sản xuất được hàng nông sản, thực phẩm mà hầu hết NK các sản phẩm như: gạo, thịt, rau quả… Hong Kong NK từ tất cả các nơi trên thế giới với đối tác lớn hiện nay gồm: Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản…
Với Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trao đổi thương mại 2 chiều Việt Nam-Hong Kong giai đoạn 2015-2021 tăng trưởng đều đặn, trừ năm 2019 có sụt giảm nhẹ. “Việt Nam hiện là nhà cung cấp gạo đứng thứ 2 cho Hong Kong sau Thái Lan với thị phần gạo chiếm khoảng 28-29%. Hoa quả Việt cũng có tốc độ tăng trưởng XK vào Hong Kong rất tốt vì hàng Việt khá được ưa chuộng tại thị trường này”, bà Thuý nói.
Yếu tố thuận lợi trong thúc đẩy XK hàng hoá vào Hong Kong được bà Thuý đề cập tới là thị trường rất tự do, không đánh thuế Hải quan với hàng hoá XNK, chỉ áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như rượu, thuốc lá...
“Hong Kong là thị trường chuyên NK hàng lương thực, thực phẩm lại có quãng đường vận chuyển khá ngắn, có nhiều yếu tố tương đồng trong khẩu vị với Việt Nam. Khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao rất tốt, thậm chí sản phẩm đặc sản, giá thành cao cũng là yếu tố thuận lợi đáng chú ý tại thị trường này”, bà Thuý đánh giá.
Kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu
Ba tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, nhóm hàng thủy sản đã bứt phá mạnh mẽ, ước tính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.
Tương tự, mặt hàng cà phê đã có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, khi tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch xuất khẩu do giá xuất khẩu cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 11,5% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng nên tăng 40,8% về kim ngạch xuất khẩu; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch xuất khẩu...
Chi phí logistics quá cao đang khiến hàng hóa mất tính cạnh tranh. (Nguồn: VOV) |
Điểm lại những điểm cần chú ý trong bức tranh xuất nhập khẩu quý I, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của nước ta phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng.
Điển hình, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 15% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 9,2%; EU đạt 16,3%; ASEAN đạt 19,9%; Hàn Quốc đạt 21%; Nhật Bản đạt 10,6%...
Cho rằng chi phí logistics đang là một trong những thách thức lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động của các DN xuất nhập khẩu trong năm nay, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... chiếm tỷ lệ khá lớn nên giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Chi phí logistics của Việt Nam tương đương 16,8% GDP.
Ông Nguyễn Tương cũng cho rằng, trong khi cước vận tải biển và chi phí thuê container đang “phi mã” thì việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh (gọi chung là phí hạ tầng cảng biển) từ ngày 1/4/2022 lại càng khiến doanh nghiệp thêm khốn khó.
Có thể thấy, dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ngành dịch vụ logistics cũng cần có những thay đổi lớn để thích hợp trong giai đoạn mới.
Trước những vấn đề này, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần giao nhận vận tải con ong kiến nghị Chính phủ tiếp tục hiện đại hóa quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics; cho phép DN gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan; tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng, như: Hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu... giúp giảm thời gian giao nhận hàng.
Còn theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), để kéo giảm chi phí cho DN, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho DN. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử dữ liệu giữa các DN, hải quan và cơ quan liên quan.