📞

Xuất khẩu ngày 16-20/5: Doanh nghiệp ngành điều 'đói' thông tin về thị trường EU; 19 nhà máy cá tra đủ điều kiện vào Mỹ

Vân Chi 19:33 | 20/05/2022
Nhiều tiềm năng cho tôm sú Việt vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp ngành điều vẫn "đói" thông tin về thị trường EU... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 16-20/5.
Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 135,17 tỷ USD, tăng 15,53% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Báo Công Thương)

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm tốc

Theo thông tin về tình hình xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan mới công bố, nửa đầu tháng 5 (từ ngày 1 đến 15/5), kim ngạch nhập khẩu đạt 15,523 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 12,82 tỷ USD. Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta nhập siêu 2,7 tỷ USD.

So với nửa cuối tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm, trong đó xuất khẩu giảm 5,13 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ giảm gần 100 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 135,17 tỷ USD, tăng 15,53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 135,39 tỷ USD, tăng 15,17% so với cùng kỳ 2021.

Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu hàng hóa tăng cao không quá lo ngại vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất và sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng nội địa trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu cả nước cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các chỉ tiêu, lĩnh vực, ngành nghề xuất khẩu đều phục hồi mạnh mẽ là kết quả của việc nền kinh tế đã sớm trở lại “bình thường mới”.

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song hoạt động thương mại của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Đó là diễn biến khó lường của dịch Covid-19; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng… Ngoài ra, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn do chính sách chống dịch của nước bạn.

Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, đại diện các hiệp hội ngành hàng mong muốn, cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại… Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại cũng cần tiếp tục chú trọng bên cạnh việc áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Mỹ công nhận 19 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.

Như vậy, đến nay FSIS đã công nhận 19 nhà máy cá tra Việt Nam được phép xuất khẩu vào Mỹ.

Sáu nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam vừa được công nhận xuất khẩu sang Mỹ gồm: Công ty Cổ phần tập đoàn thủy sản Hợp Nhất, Nhà máy đông lạnh hải sản Atlantic (Atlantic Seafood), Nhà máy Basa Mekong (Basa Mekong), Nhà máy chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cao cấp, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Cỏ May 2 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Cỏ May) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CK Frozen Food Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 4/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 195,3 triệu USD, tăng 131,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ và EU vẫn đang tăng tích cực và những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động không nhỏ tới thị trường cá thịt trắng thế giới.

Việc thêm 6 nhà máy được vào danh sách chế biến, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ giúp tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trong thời gian tới.

Tiềm năng cho tôm sú Việt tại thị trường Bắc Âu

Sau chiến dịch tiêm phòng Covid-19 và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại thị trường EU đã hồi phục rõ rệt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang thị trường này.

Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.

Đáng lưu ý, nhu cầu nhập khẩu tôm vào EU thường tăng vào mùa Hè và mùa Thu. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu tại thị trường này đã chuẩn bị kỹ các đơn hàng từ thời điểm đầu năm.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, đối với bán lẻ, trong nhiều năm qua, tôm sú đã mất dần thị phần trong các chuỗi bán lẻ lớn. Với việc người tiêu dùng định hướng về giá cả và nhu cầu về tính bền vững được chứng nhận ngày càng tăng, các nhà bán lẻ đã chọn tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương để thay thế.

Vì châu Âu có một cộng đồng dân tộc lớn, nên cũng có các cửa hàng bán lẻ dân tộc chuyên biệt bán nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả hải sản. Thông thường, họ cung cấp nhiều loại sản phẩm khác với hình thức bán lẻ chính thống. Tôm là mặt hàng thủy sản đông lạnh hàng đầu tại kênh này. Hơn nữa, các siêu thị dân tộc có khả năng bán tôm sú cho người tiêu dùng trực tiếp, vì các yêu cầu chứng nhận là không cần thiết.

"Trong bán lẻ thông thường, sản phẩm tôm sú bóc vỏ đông lạnh chủ yếu được bán trong các túi từ 250g đến 1kg. Đôi khi, tôm sú IQF hoặc Semi-IQF HOSO cũng sẽ được cung cấp trong các túi 250g đến 1kg hoặc trong các hộp carton 500g đến 1kg. Hầu hết các tổ chức bán lẻ lớn hơn bán tôm đông lạnh dưới nhãn hiệu riêng của họ nhưng cũng có một số nhãn hiệu khác" - Thương vụ lưu ý.

Ngành điều vẫn "đói" thông tin về thị trường EU

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23% tổng lượng và 22% tổng giá trị toàn ngành năm 2021.

Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU năm 2021 đạt 130 nghìn tấn, tăng 16,5% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Tây Âu như: Đức Hà Lan, Pháp Bỉ, đặc biệt khai thác tốt thị trường Hà Lan và Đức. Đây là nước có đầu mối nhập khẩu điều quan trọng từ Việt Nam để tái xuất.

EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy)

Theo các chuyên gia, xuất khẩu điều vào EU đang có nhiều lợi thế. Trước hết, bà Thuỷ cho rằng, người tiêu dùng EU chú trọng đến sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, sản phẩm có protein thay thế (gốc thực vật), tính bền vững và giảm thiểu chất thải… do vậy điều là sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, thuế suất cho nhập khẩu điều từ Việt Nam vào EU giảm về 0% ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020. Trước khi hiệp định này có hiệu lực, mức thuế quan của điều vào EU từ mức 7-12%. Chính vì vậy, việc EVFTA đi vào thực thi đã mang lại nhiều kỳ vọng to lớn cho ngành điều.

Thuận lợi nữa theo ông Giang, EU là thị trường tiêu thụ lớn, ổn định, nhu cầu tiêu dùng và khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành điều Việt Nam dày dạn kinh nghiệm trong chế biến điều nhân, công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại, năng lực khoảng 500 ngàn tấn nhân mỗi năm…

Mặc dù vậy, do xung đột Nga – Ukraine nên xuất khẩu của hạt điều Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải tăng cao… tạo khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Cộng với đó, năng lực của ngành còn nhiều hạn chế với những sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là điều rang tẩm gia vị theo thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Các nước châu Âu đòi hỏi ngày càng khắt khe, cao về chất lượng an toàn thực phẩm…

Doanh nghiệp điều của Việt Nam còn hạn chế trong marketing, nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đặc biệt nhóm khách hàng rang, chiên và những sản phẩm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Chúng ta còn yếu trong quảng bá thương hiệu, truyền thông, thương mại điện tử.

Thiếu thông tin về bạn hàng đối tác cũng như xu hướng của thị trường châu Âu. Dù thời gian qua có sự hỗ trợ lớn từ Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhưng các doanh nghiệp điều Việt Nam vẫn còn “đói” thông tin thị trường bạn hàng, đối tác. Mặt khác, sự chủ động của hiệp hội, doanh nghiệp vẫn chưa cao…

(tổng hợp)