📞

Xuất khẩu ngày 17-21/1: Mít đông lạnh Việt Nam hấp dẫn thị trường Australia; Alibaba 'mách nước' 3 ngành tiềm năng trên thương mại trực tuyến

Vân Chi 12:34 | 21/01/2022
Xuất khẩu 200 tấn mít đông lạnh sang thị trường Australia, thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, "cửa sáng" cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022..là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 17-21/1.
Người tiêu dùng tại Sydney, khi được mời dùng thử sản phẩm mít Việt Nam đã đánh giá mít đông lạnh Việt vẫn giữ được độ giòn, thơm như mít tươi và rất tiện bảo quản. (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Australia)

Người tiêu dùng Australia "chuộng" mít đông lạnh Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu mít vào thị trường nước này. Theo đó, 200 tấn mít đông lạnh được các nhà nhập khẩu, chủ lực là Công ty VINREC Australia đăng ký tham gia.

Australia là quốc gia trồng mít, nhưng mít Việt Nam (đông lạnh và chế biến) vẫn được Thương vụ Việt Nam đưa vào danh sách trọng điểm đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng thương hiệu trong 2 năm vừa qua. Kết quả, năm 2021, mít Việt Nam xuất khẩu sang đất nước này tăng trưởng lên đến 20% so với năm 2020.

Người tiêu dùng tại Sydney, khi được mời dùng thử sản phẩm mít Việt Nam đã đánh giá mít đông lạnh Việt vẫn giữ được độ giòn, thơm như mít tươi và rất tiện bảo quản.

Để tiếp tục kế hoạch xuất khẩu lớn hơn cho sản phẩm mít Việt, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu mít. Theo đó, 200 tấn mít đông lạnh loại 1 (tương đương 1.000 tấn mít nguyên liệu) đã được các nhà nhập khẩu, chủ lực là Công ty VINREC Australia đăng ký tham gia. Doanh nghiệp này đã triển khai thu mua chế biến khép kín mít Việt Nam để đạt tới chất lượng đạt loại 1.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, 30 tấn mít thành phẩm thương hiệu VINRECT-HT sẽ được đưa ra thị trường Australia. Ngoài ra, có khoảng 10 tấn thành phẩm của các doanh nghiệp khác cũng tham gia hoạt động này. Số còn lại sẽ được doanh nghiệp tại Việt Nam thu mua, chế biến.

"Mít cũng như quả sầu riêng, quả bơ, chanh leo của Việt Nam đều được người tiêu dùng trên thế giới đánh giá rất ngon khi tiêu thụ đông lạnh. Chỉ cần mít vẫn giòn sau đông lạnh là yếu tố tiên quyết giúp giữ nguyên hương vị và chất lượng của mít. Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh truyền thông nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng", ông Nguyễn Phú Hòa cho biết.

Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp xúc tiến cho sản phẩm mít Việt như: đưa mít vào hệ thống siêu thị, quảng bá trên mạng xã hội và các kênh của Thương vụ, triển lãm trực tuyến, tổ chức sự kiện dùng thử, khuyến mãi tặng thưởng có giá trị và phát hành sách điện tử quảng bá...

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu sang Hungary

Là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, những năm qua kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hungary liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam hiện là một đối tác thương mại quan trọng và truyền thống của Hungary ở khu vực Đông Nam Á.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, lần đầu tiên trong lịch sử tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hungary năm 2020 đạt 1,297 tỷ USD, tăng 73,88% so với năm 2019; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 925 triệu USD, tăng 126,69% so với năm 2019.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tác động nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hungary tính đến hết năm 2021 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 15,2% so với năm 2020. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chỉ đạt 570 triệu USD, giảm 38,4% và nhập khẩu đạt 529 triệu USD, tăng 42,4% so với năm 2020.

Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hungary bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 391 triệu USD, tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 53 triệu USD.

Bên cạnh đó, do khó khăn chung về thị trường cung cầu bởi dịch Covid-19 nên một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary giảm như cà phê chiết xuất, tinh chất và cô đặc, giày dép…

Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, do cơ cấu thị trường của Hungary từ trước đến nay chủ yếu vẫn là thị trường EU, chiếm đến trên 75% trong ngoại thương của nước này. Vì vậy, về cơ bản các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Hungary chủ yếu là các nước EU như Đức, Pháp, Áo, Tây Ban Nha…

Đặc biệt, ở một số chủng loại hàng chiếm kim ngạch cao trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam là Trung Quốc như hàng linh kiện điện tử, khung xe đạp, Hàn Quốc là mặt hàng linh kiện điện tử.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hungary một số mặt hàng như thức ăn gia súc và nguyên liệu; dược phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

Như vậy, có thể khẳng định rằng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đầu tiên đạt ngưỡng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang Hungary và liên tục dẫn đầu kể từ năm 2020 cho đến nay.

Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc nông sản ở cửa khẩu

Bộ Công Thương vừa thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. Thành phần gồm có lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn.Trưởng Ban chỉ đạo là ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương. Cùng với các phó trưởng ban là ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương và một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thành phần Ban này còn có lãnh đạo các đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc áp dụng các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết tình trạng ách tắc hàng hoá, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc điều tiết vận chuyển hàng hoá lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc sản xuất, bao gói và vận chuyển an toàn cho tất cả đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản. Đặc biệt là trái cây và thủy sản đông lạnh, với mục tiêu là không để nhiễm virus trên bao bì và bản thân hàng hóa.

Còn Bộ Y tế nhanh chóng hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập các vùng đệm an toàn ("vùng xanh") với tiêu chuẩn, quy trình hài hòa hợp lý với phía Trung Quốc.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin về thông quan hàng hóa cho các địa phương tuyến sau để các địa phương và thương nhân tuyến sau chủ động điều tiết việc vận chuyển hàng hoá lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trong đó, đặc biệt lưu ý công tác khử khuẩn phương tiện và hàng hóa, nhất là trái cây tươi và thực phẩm đông lạnh.

Một nhiệm vụ quan trọng đó là tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam ở tất cả các cấp, các kênh...

Đáng chú ý, bộ này đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21.9.2021 và kết luận tại các cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam năm 2022

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng.

Bên cạnh giá bán cao, nhu cầu của thế giới cũng là một trong những lý do năm 2021 xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 3,27 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm trước đó.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Chính vì vậy, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong năm 2021, có thời điểm khá dài giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, nhưng nhiều quốc gia vẫn chọn nhập khẩu gạo Việt Nam. (Nguồn: VGP News)

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu về số lượng, chất lượng cao cũng là lý do khiến gạo Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Ngoài các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Theo cam kết, châu ÂU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU.

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.

Trong năm 2021, có thời điểm khá dài giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, nhưng nhiều quốc gia vẫn chọn nhập khẩu gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết năm 2022, thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục hứa hẹn nhiều gam màu sáng khi sức tiêu thụ và giá bán dự báo sẽ tăng, đặc biệt với ở những mặt hàng gạo ngon, chất lượng cao.

"Dù tình hình dịch khó khăn nhưng mỗi tháng chúng tôi đều đặn khoảng 50 container cho thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu đáng mừng. Gạo của chúng tôi đang bán với giá ngang ngửa gạo Thái Lan", ông Phạm Thái Bình cho hay.

Alibaba.com chỉ ra 3 ngành hàng Việt Nam xuất khẩu trực tuyến tiềm năng

Trong Báo cáo chuyển đổi số B2B Việt Nam 2022 vừa được phát hành, Alibaba.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử B2B hàng đầu thế giới, cho biết sau thời gian nghiên cứu, nền tảng chỉ ra ba lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh kinh doanh xuất khẩu trong năm mới.

Đầu tiên là lĩnh vực nông nghiệp với vị trí đầu bảng của mặt hàng dầu ăn. Ước tính, khoảng hơn 300 khách hàng hỏi mua trung bình mỗi ngày và hơn 250.000 sản phẩm cần được bổ sung. Các quốc gia như Ấn Độ, Lebanon, Indonesia, Mỹ, và Trung Quốc ghi nhận lượng tiêu thụ sản phẩm này nhiều nhất.

Giống với ngành hàng nông nghiệp, nền tảng thương mại điện tử này cũng đã chỉ ra ba sản phẩm bán chạy nhất của ngành chăm sóc cá nhân và sắc đẹp.

Nhà cửa và vườn tược tiếp tục là lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến đầy hứa hẹn trong năm 2022. Theo Alibaba.com, sản phẩm bán chạy nhất thuộc ngành hàng này là đồ dùng bàn ăn và nhà bếp, với hơn 4.000 người mua hàng năng động trung bình mỗi ngày và hơn 4 triệu sản phẩm được yêu cầu. Năm quốc gia ghi nhận mức tiêu thụ dòng sản phẩm này nhiều nhất là Mỹ, Anh, Philippines, Brazil và Nga.

Ông Roger Lou, giám đốc quốc gia Việt Nam của Alibaba.com, cho rằng Việt Nam hiện đang là thành viên của rất nhiều hiệp định kinh tế và thương mại. Các hiệp định này rất có lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong tương lai. Cùng với những nỗ lực toàn cầu hóa, doanh nghiệp nội địa sẽ có nhiều cơ hội hơn để vươn ra xuất khẩu tại nhiều thị trường mới.

(tổng hợp)