Xuất khẩu cá tra dần phục hồi. (Nguồn: Báo Long An) |
Xuất khẩu cá tra dần "hồi sức"
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 48 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 23 triệu USD, giảm 51%; xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm xuất khẩu tại các thị trường so với cùng kỳ đã thu hẹp dần.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức này thu hẹp chỉ còn 15%. Đất nước tỷ dân này luôn đứng Top 1 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Sự thu hẹp khoảng cách này có thể coi là một trong những dấu hiệu tốt cho ngành xuất khẩu cá tra.
Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tháng 6/2023 đạt 23 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số trong tháng 6/2023, nhưng so với 2 tháng trước đó, khoảng cách cũng đã được thu hẹp. Cụ thể, tháng 5/2023 xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm 53% và tháng 4/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm tháng đầu năm 2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 3,3 USD/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so với mức 4,3% ghi nhận vào tháng trước.
Ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ giảm thì vấn đề tồn kho lớn, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chìm trong tăng trưởng âm. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá.
Tháng 6/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường các nước tham gia thị trường CPTPP đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trong khối cũng giảm nhập khẩu cá tra từ 23 - 55%.
Israel bãi bỏ thuế nhập khẩu, cơ hội cho sữa Việt
Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết ngày 13/7/2023, Bộ Tài chính Israel đã ký lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các loại sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, kéo dài từ nay cho đến ngày 09/10/2023 sau khi kỳ nghỉ lễ truyền thống kết thúc.
Đây là một quyết định lịch sử và biện pháp này được thực hiện với sự thận trọng cũng như trách nhiệm cần thiết để loại bỏ tình trạng thiếu sữa trên các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị cũng như tại các cửa hàng bán lẻ mà người dân Israel đang gặp phải trong những tuần gần đây.
Sữa là sản phẩm được bán nhiều nhất ở Israel, vì thế không thế chấp nhận được tình trạng thiếu hụt sữa trong mùa hè khi trẻ em được nghỉ hè và trước kỳ nghỉ lễ truyền thống.
Việc giảm thuế nhập khẩu còn nhằm mục đích mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng này cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, Chính phủ Israel sẽ có kế hoạch tiếp tục thay đổi hệ thống nhập khẩu của Israel để tương thích với các phương thức quản lý và tiêu chuẩn của châu Âu, đồng thời tiến hành cắt giảm thủ tục quan liêu đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Kinh tế và Công nghiệp cùng với Văn phòng Thủ tướng giám sát thực thi.
Tình trạng thiếu sữa các loại gần đây xảy ra sau khi giá các sản phẩm sữa do chính phủ điều tiết đã tăng hơn 9% trong tháng 5/2023, khi Bộ trưởng Tài chính đạt được thỏa thuận vào phút cuối với các nhà sản xuất sữa của Israel về mức tăng dự kiến 16% sẽ được thực hiện rải ra trong một số năm.
Cuộc kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước Israel cho thấy, giá sữa nguyên liệu ở Israel cao hơn khoảng 24% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chênh lệch giá giữa một lít sữa thông thường đối với người tiêu dùng Israel và giá trung bình ở các nước OECD đứng cao ở mức đáng kinh ngạc là 77%.
Trong ba tháng tới, Israel sẽ xem xét tác động của lệnh bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với thị trường cả về số lượng và giá cả. Bộ Tài chính Israel sẽ tổ chức đối thoại chuyên sâu với tất cả các bên tham gia vào hoạt động trong ngành công nghiệp sữa để xem xét những điều chỉnh cần thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên và giá tối ưu cho mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.
Thương vụ Việt Nam tại Israel nhận định, những năm gần đây, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt bơ sữa khiến cho giá cả mặt hàng này tăng cao và Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách quản lý bằng cách tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này tại nhiều thời điểm khác nhau.
“Do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel, cùng với việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu lần này, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel trong thời gian tới”, Thương vụ Việt Nam tại Israel nhận định.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 200 nhà sản xuất sữa. Thị trường sữa Việt Nam chủ yếu do các "ông lớn" như Vinamilk, Nestle Việt Nam, Nutifood, Frieslandcampina và Tập đoàn TH thống lĩnh.
Dự tính, đàn bò của Việt Nam sẽ tăng từ 330.000 con năm 2019 lên 700.000 con vào năm 2030. Sản lượng sữa tươi của Việt Nam đạt 1,2 tỷ lít vào năm 2021 và sẽ tăng lên 2 tỷ lít vào năm 2030.
Xuất khẩu sữa của Việt Nam đang tăng nhanh. Giá trị xuất khẩu sữa của Việt Nam vượt 300 triệu USD. Sản phẩm sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc)…
Vinamilk là doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm sữa lớn nhất, đến 57 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín của sữa Việt trên thương trường quốc tế.
Để tận dụng tốt cơ hội, lợi thế trong xuất khẩu sữa, Bộ Công Thương cho rằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới là những yếu tố then chốt giúp mở đường cho doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài.
Gạo Việt sẽ còn neo cao nhờ Ấn Độ cấm xuất gạo
Ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm: Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ đẩy giá gạo thế giới tiếp tục tăng cao. (Nguồn: Vinafood) |
Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023.
Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu An ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm qua và 3% chỉ trong tháng vừa qua. Các diễn biến thời tiết không thuận trong vụ lúa Xuân Hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Lượng mưa sụt giảm tại các bang nông nghiệp quan trọng như Bibar, Odisha, Jharkhand. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và giúp kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của công ty đang cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất. Trong khi đó, cũng do El Nino, ảnh hưởng mùa màng, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm vừa qua.
"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại khiến chúng ta có lợi thế rất lớn về xuất khẩu", ông Phạm Thái Bình nói.