Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 17-23/6: Sầu riêng Việt có thêm đối thủ mạnh; Anh tăng mua hạt điều nhờ lực đẩy UKVFTA

Sầu riêng Việt có thêm đối thủ mạnh cạnh tranh, Anh tăng mua hạt điều nhờ lực đẩy UKVFTA, Việt Nam lọt top 14 quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu/GDP cao nhất thế giới... là những tin xuất khẩu nổi bật từ 17-23/6.
sầu riêng Musang King
Ngoài Thái Lan và Philippines, sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Sầu riêng Việt có thêm đối thủ mạnh cạnh tranh

Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân Trung Quốc ưa chuộng. Tháng 4 vừa qua, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc. Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc “ăn hàng” nên nông dân bán được sầu riêng với giá cao.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi mà quốc gia này nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Thái Lan giảm còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tương đương giảm 26,7 điểm phần trăm.

Song, ngoài Thái Lan và Philippines, sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường hơn tỷ dân này. Bởi, từ ngày 19/6, sầu riêng tươi của Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi hai nước ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng. Trước đó, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc.

Thị trường xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc đã được mở rộng. Ông Datuk Seri Mohamad Sabu - Bộ trưởng Nông nghiệp và an ninh thực phẩm Malaysia kỳ vọng, Nghị định thư này sẽ thúc đẩy ngành sầu riêng trong nước và tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng Nghị định thư trên tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hơn 63.000 người trồng sầu riêng trên toàn quốc.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đã tăng 256,3%. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia ghi nhận giá trị 1,14 tỷ Ringgit (250 triệu USD). Trung Quốc là thị trường chính của sầu riêng Malaysia, với giá trị xuất khẩu đạt 887 triệu Ringgit (188 triệu USD) vào năm 2022. Ông Mohamad Sabu kỳ vọng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc sẽ tăng lên mức 1,8 tỷ Ringgit (380 triệu USD) vào năm 2030.

Đa số các trang trại sầu riêng ở Malaysia đều trồng các giống đặc sản tương tự như Musang King. Vì vậy, sầu riêng của Malaysia sẽ nổi trội trên phân khúc cao cấp của thị trường quốc tế. Bộ trưởng Mohamad Sabu nhận định, Malaysia có khả năng giành được thị phần đáng kể ở Trung Quốc nhờ sầu riêng Musang King. “Nếu bắt đầu trồng sầu riêng ngay bây giờ, chúng ta có thể thu thành quả sau 5 hoặc 6 năm”, ông nói và nhấn mạnh nông dân có thể trồng bất cứ giống sầu riêng nào nhưng phải bảo đảm chất lượng xuất khẩu.

Sự góp mặt của sầu riêng tươi đến từ Malaysia sẽ làm tăng sức nóng cạnh tranh trên thị trường của Trung Quốc. Bởi trước đây, chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Sản lượng sầu riêng của Malaysia thấp hơn Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Malaysia có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao. Nước này là quê hương của giống sầu riêng Musang King, được xem là “vua của các loại sầu riêng” nhờ mùi thơm nồng nàn và cơm màu vàng óng.

Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường sầu riêng ở quốc gia này tăng mạnh theo mỗi năm và có thể “bao thầu” tất cả sản lượng sầu riêng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.

Thế nhưng, trong 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế. Nguyên nhân là do mùa thu hoạch sầu của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm, còn Việt Nam được thu rải vụ nên mùa nào cũng có hàng xuất khẩu.

Nhờ lực đẩy UKVFTA, Anh tăng mua hạt điều

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 67,71 nghìn tấn, trị giá 370,34 triệu USD, tăng 1,0% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với tháng 4/2024, tăng 18,1% về lượng và tăng 9,0% về trị giá so với tháng 5/2023.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 285,1 nghìn tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin liên quan
UKVFTA giúp nông sản Việt phát huy lợi thế cạnh tranh, chinh phục thị trường Vương quốc Anh UKVFTA giúp nông sản Việt phát huy lợi thế cạnh tranh, chinh phục thị trường Vương quốc Anh

Tháng 5/2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường, ngoại trừ Anh và Canada. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường, ngoại trừ Saudi Arabia. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn ghi nhận mức tăng cao như: Nga, Trung Quốc, Đức…

Trong số 10 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đứng vị trí hàng đầu với lượng xuất khẩu đạt 75,072 nghìn tấn và trị giá trên 399 triệu USD. Vị trí thứ hai là Trung Quốc với 53,334 nghìn tấn và hơn 289 triệu USD; Hà Lan đứng vị trí thứ ba với 22,088 nghìn tấn với hơn 122 triệu USD; Đức đứng vị trí thứ tư với hơn 9 nghìn tấn và kim ngạch đạt hơn 48,6 triệu USD; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất đứng vị trí thứ 5 với 8,3 nghìn tấn và trị giá hơn 46,3 triệu USD.

Các vị trí kế tiếp gồm Anh, Canada, Australia, Saudi Arabia, Nga. Riêng với thị trường Anh, theo số liệu của Tổng cục Hải quan kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt hơn 8,1 triệu tấn với trị giá hơn 40,1 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường đứng thứ 6 trong số các thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Kể từ khi hai nước tuyên bố nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia tăng trưởng hơn 3 lần, đạt mức 6,84 tỷ USD năm 2022.

Đặc biệt với việc Hiệp định thương mại tự do song phương UKVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2021 và mới đây nhất là việc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định CPTPP vào ngày 16/7/2023, đây sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam lọt top 14 quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu/GDP cao nhất thế giới

Theo ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) - cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).

Xuất khẩu nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%). Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu ngày 17-23/6: Sầu riêng Việt có thêm đối thủ mạnh; Anh tăng mua hạt điều nhờ lực đẩy UKVFTA
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: Báo Công Thương)

Riêng mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy - cho hay, nhờ vào xuất khẩu hồi phục, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong quý I/2024 đã tăng lên 5,66%, so với mức tăng 3,32% của quý I/2023. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong quý I/2024 cũng giảm xuống còn 168 nghìn lượt, mức thấp nhất trong 10 quý, cho thấy sự cải thiện ở khu vực việc làm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Sắt thép nhập khẩu đổ bộ, gây khó cho doanh nghiệp trong nước

Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt 1,72 tỷ USD, tăng 14,9% tương ứng tăng 223 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại là 1,13 triệu USD tăng 17,9% với sàn lượng 1,55 triệu tấn, tăng 20,6% so với tháng trước.

Luỹ kế 5 tháng năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 26,3%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ với mức nhập khẩu của 5 tháng/2022.

Trong đó, lượng nhập khẩu sắt thép các loại là 6,92 triệu tấn, tăng 50,15 với trị giá là 5,02 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 4,77 tỷ USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 735 triệu USD, tăng 4,6%so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng thép nhập khẩu lớn đổ bộ, nhất là thép có xuất xứ từ Trung Quốc đang gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023, nhưng sự phục hồi này không chắc chắn, doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan
Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu sắt thép Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu sắt thép

Khó khăn lớn nhất là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Với Việt Nam, nhập thép từ Trung Quốc gần đã lên tới xấp xỉ 4,8 tỷ USD trong tổng trị giá nhập khẩu 7,48 tỷ USD trong 5 tháng.

Tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩ, theo VSA đã làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn.

Ngoài ra, thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Trong động thái bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự đổ bộ của hàng nhập khẩu, ngày 14/6/2024, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ Công thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

'Quýt làm cam chịu', ngành thịt lợn EU sắp đối mặt với 'cơn ác mộng' từ Trung Quốc

'Quýt làm cam chịu', ngành thịt lợn EU sắp đối mặt với 'cơn ác mộng' từ Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc đưa tin các công ty Trung Quốc đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập ...

Trung Quốc không còn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng sang Mỹ hay Nhật Bản, kinh tế bước vào giai đoạn ổn định

Trung Quốc không còn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng sang Mỹ hay Nhật Bản, kinh tế bước vào giai đoạn ổn định

Theo Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Roland Berger của Đức Denis Depoux, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai ...

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định ...

Nga 'mạnh tay' mua một loại nông sản của Việt Nam, xuất khẩu đạt hơn 160 triệu USD

Nga 'mạnh tay' mua một loại nông sản của Việt Nam, xuất khẩu đạt hơn 160 triệu USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang ...

Cá tra Việt 'đắt hàng' tại Hong Kong (Trung Quốc)

Cá tra Việt 'đắt hàng' tại Hong Kong (Trung Quốc)

Với kim ngạch xuất khẩu 203 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) hiện là thị trường tiêu ...

(tổng hợp)