Xoài của Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu. (Nguồn: TTXVN) |
Đồng Tháp xuất khẩu 3 tấn xoài đầu tiên sang châu Âu
Ngày 19/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của tỉnh sang thị trường châu Âu.
Theo đó, Công ty cánh cổng vàng Việt Nam phối hợp Công ty TNHH Wester Farm (H.Cao Lãnh) xuất sang thị trường châu Âu 3 tấn xoài cát chu vàng và cát chu xanh, do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh) cung ứng.
Lãnh đạo Công ty cánh cổng vàng Việt Nam cho biết, đơn vị đã kết nối với Tập đoàn MCE tại Hà Lan, là đơn vị phân phối sản phẩm nông sản cho 24 nước châu Âu, để cung ứng nông sản từ Việt Nam. Đầu tháng 3/2022, công ty sẽ xuất 8 tấn xoài bằng đường biển cho đơn vị này. Đồng thời, sẽ xuất 8 tấn xoài mỗi tuần, sau đó tăng dần số lượng; tiến tới triển khai xuất khẩu xoài cát chu và cát hòa lộc sang thị trường các nước khác.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp thông tin, diện tích trồng xoài của tỉnh khoảng 13.000 ha, sản lượng gần 113.000 tấn. Trong đó, diện tích xoài được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được sản xuất rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.
Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927 ha và cấp 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988 ha.
Giá cá tra tăng mạnh, người nuôi "thắng lớn"
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng liên tục, từ mức 20.500 - 22.000 đồng/kg vào trước Tết Nhâm Dần lên 29.000 - 30.000 đồng/kg hiện nay nhưng cung không đủ cầu.
Và theo dự báo của VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay có thể sẽ đạt 1,9 - 2 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 1,6 tỷ USD của năm 2021. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại người dân lại đổ xô vào nuôi cá tra, lại đối diện với nguy cơ mất giá trong khi chi phí nuôi cá ngày càng tăng.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, diện tích nuôi cá bị thu hẹp, thả giống ít. Ngoài ra, "sản lượng cá tra nguyên liệu phục vụ nhu cầu thu mua, chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp bị thiếu hụt, giá cá bị đẩy lên là điều khó tránh khỏi".
Dù đang lãi lớn nhờ con cá tra, nhiều người nuôi cá thừa nhận "vui chưa trọn vẹn" dù giá cá tra tăng cao. Bởi giá thức ăn cho cá cũng đã tăng mạnh, chi phí mà người nuôi đầu tư lên tới gần 25.000 đồng/kg cá tra.
Australia xuất khẩu thí điểm trái đào và xuân đào sang Việt Nam
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực chuẩn bị cho việc xuất khẩu thí điểm đào (peach) và xuân đào (nectarine) của Australia sang Việt Nam trong những tháng tới.
Theo Bộ trưởng Littleproud, Việt Nam là "thị trường ưu tiên cho các sản phẩm cao cấp của Australia" và việc hoàn tất các cuộc đàm phán kỹ thuật sẽ đồng nghĩa với việc đào và xuân đào của Australia có thể "tiếp cận thị trường giá trị này".
Trong khi đó, ông Ian McAlister - Chủ tịch Liên minh Phát triển xuất khẩu Summerfruit - cho rằng việc Việt Nam mở cửa trở lại thị trường là một bước phát triển tốt cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Australia.
“Với chương trình khuyến mãi phù hợp, thị trường Việt Nam là một điểm đến quan trọng đối với chúng tôi".
Theo ông McAlister, chính phủ Australia và Việt Nam đã hoàn tất ký kết các nghị định thư cần thiết để xúc tiến xuất khẩu thí điểm đào và xuân đào.
Trước mắt, một lượng vừa phải quả đào và xuân đào Australia sẽ được chuyển tới Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4, để mở đường cho một lượng hàng lớn hơn đến với thị trường Việt Nam vào đầu tháng 12 tới.
Ông McAlister hy vọng sau hai loại trái cây trên, Australia sẽ sớm có thể xuất khẩu mận sang Việt Nam.
Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mật ong
Trước thông tin Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Việt Nam, bà Phạm Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 17/11/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Theo bà Phạm Châu Giang, trên thực tế, mặt hàng mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2020.
Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, ngay khi nhận được thông tin về khả năng Hoa Kỳ điều tra vụ việc, từ tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi họp với Hội Nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ để cung cấp các quy định liên quan của Hoa Kỳ và hướng dẫn Hội, doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó.
Ngay khi DOC khởi xướng vụ việc, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao đổi vụ việc với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc song phương.
Bộ Công Thương cũng thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các phương án ứng phó trước khi DOC ban hành kết luận điều tra sơ bộ.
Bên cạnh đó, Hội Nuôi ong, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của ta đã chủ động phối hợp với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và luật sư tư vấn để hỗ trợ trả lời bản câu hỏi điều tra và hợp tác với DOC trong suốt quá trình điều tra.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan theo dõi sát sao vụ việc. (Nguồn: VnEconomy) |
Đáng lưu ý, khi Hoa Kỳ ban hành kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thư gửi các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ như DOC, Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ nhằm bày tỏ quan điểm, đề nghị phía Hoa Kỳ đánh giá một cách khách quan, công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngành mật ong Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang cho hay, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong theo dõi sát sao vụ việc.
Cùng với đó, hỗ trợ Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở giai đoạn điều tra tiếp theo và tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan; đẩy mạnh đối thoại với Hoa Kỳ ở các cấp đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin và các lập luận về mặt pháp lý, kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ.
Đặc biệt, sau khi đánh giá thị trường nội địa vẫn còn dư địa tăng trưởng, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật tại thị trường trong nước.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã giao Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ thị trường, Thương vụ các nước nghiên cứu, triển khai các chính sách, giải pháp xúc tiến thương mại phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mật ong, đặc biệt với những đối tác mà ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong trong nước có phương án ứng phó phù hợp, tích cực phối hợp với DOC và bày tỏ quan điểm trong giai đoạn điều tra tiếp theo; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong dài hạn.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất hai tháng
Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam báo ở mức 400 USD/tấn vào hôm 17/2. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái và tăng từ 395 USD của một tuần trước.
"Giá tăng nhẹ nhờ hoạt động thương mại trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu đang tăng lên", một thương lái có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, và nói thêm rằng các thương lái đã mua số lượng vừa phải từ nông dân trước khi vụ Đông - Xuân bước vào kỳ thu hoạch.
Một số thương nhân cho biết họ sẽ tham gia đấu thầu do Tập đoàn Thương mại nông sản và thực phẩm của Hàn Quốc tổ chức để mua khoảng 72.200 tấn gạo.
Giá gạo Việt Nam tăng được cho là nhờ hoạt động thị trường phục hồi trở lại sau kỳ nghỉ lễ, trong khi nhu cầu thấp khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ xuống gần mức thấp nhất trong một tháng.