📞

Xuất khẩu ngày 19-21/5: Vải thiều Việt Nam lại sẵn sàng 'ra khơi'; xuất khẩu giảm sâu hơn cả thời kỳ 'đóng băng' vì Covid-19

Vân Chi 21:19 | 22/05/2023
Quả vải lại sẵn sàng "ra khơi"; xuất khẩu tiếp đà lao dốc, giảm sâu hơn thời kỳ "đóng băng" vì Covid-19... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 19-21/5.
Đến hiện tại, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải đi các thị trường đã hoàn tất. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Quả vải lại sẵn sàng "ra khơi"

Ngày 21/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, hiện vải thiều ở miền Bắc và một số loại trái cây trọng điểm đang sắp vào vụ thu hoạch, vấn đề tiêu thụ luôn được đặt ra. Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải đi các thi trường đến hiện tại đã chuẩn bị xong.

Đối với thị trường Trung Quốc, trung bình hằng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 80.000-120.000 tấn vải. Năm nay, công tác hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu vải thiều đi thị trường này đến hiện tại diễn ra rất thuận lợi.

Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp tất cả các lô vải trước khi xuất khẩu sang đây. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và kiểm tra lại toàn bộ nhà máy xử lý tại các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.

Đối với thị trường Australia, việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu vào thị trường này hiện nay rất thuận lợi (vải vào thị trường này sử dụng phương pháp chiếu xạ) vì hiện tại nhà máy chiếu xạ của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đã có thể đảm đương được.

Đối với thị trường Mỹ, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp nước này đã tạo điều kiện để Việt Nam có thêm 1 cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu của phía bạn là Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.

Về vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các địa phương tự tổ chức thực hiện và chủ động trong vấn đề quy hoạch, xác định cây trồng, sản phẩm chủ lực nào cần cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, cũng như phục vụ tiêu thụ trong nước.

Về vấn đề tại sao các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, ông Hoàng Trung thông tin, trong 5 năm gần đây, tốc độ ký Nghị định thư với Trung Quốc của chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan (những loại trái cây, sản phẩm chúng ta cần đàm phám chính thức để ký Nghị định thư).

Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: "Thị trường và giá cả luôn bất ổn, phải quen dần với những điều này bởi theo cơ chế thị trường thì không bao giờ ổn định. Nền nông nghiệp với 50 triệu nông dân việc phục vụ sản xuất không chỉ chỉ đạo theo kiểu công văn mà làm sao phải sát với thực tế”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, phải phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số của Bộ cập nhật bản thông tin trực quan hơn từ đó tạo thành thói quen người dân tiếp cận để chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Xuất khẩu tiếp đà lao dốc, giảm sâu hơn thời kỳ "đóng băng" vì Covid-19

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm hơn 21% so với nửa cuối tháng 4. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 118,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 5 đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với kỳ trước. Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 112 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt hơn 230 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm gần 40 tỷ USD. Con số còn thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021, khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 234 tỷ USD.

Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Với quy mô hiện nay, những tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt bình quân 51,2 tỷ USD mỗi tháng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 60 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan nhận định: "Để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), trong thời gian còn lại của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp".

Lý giải về nguyên nhân xuất khẩu giảm trong 4 tháng và nửa đầu tháng 5/2023, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.

Bên cạnh đó sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa xuất khẩu đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhiều mặt hàng có mức giảm giá sâu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước như: Hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,2%, dầu thô giảm 15,9%, quặng và khoáng sản khác giảm 19,8%, sắt thép giảm 25,2%, phân bón các loại giảm 33,6%...

Liên quan đến cán cân thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, xuất siêu tăng cao góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, cần đánh giá kỹ lại, bởi xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm vì thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực. Ngược lại, trong một số trường hợp, nhập siêu chưa chắc đã không tốt. Cần phối kết hợp để đánh giá lại kỹ hơn, từ đó có các giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo ông Hải, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Hơn nữa, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu; Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... sẽ là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Chè Việt "lao đao"

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu 8.091 tấn chè, đạt 13,71 triệu USD, tăng lần lượt 4,5% và 9% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam giảm lần lượt 9,2% và 15,8%. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2023 đạt 1.694,8 USD/tấn, giảm 7,2% so với tháng 4/2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè đạt 29.404 tấn, trị giá 48,9 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 22,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.663 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu chè tới các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga đều ghi nhận giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Thời gian qua, xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều suy giảm. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Pakistan hiện là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam (chiếm 36,6%) 4 tháng đầu năm 2023 với 10.751 tấn, đạt 19,48 triệu USD, giảm lần lượt 3,2% và 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Triển vọng xuất khẩu chè tới Pakistan kém khả quan khi nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế do thiếu ngoại tệ và lũ lụt, khiến tỷ lệ lạm phát lương thực đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47,2% vào tháng 3/2023, từ đó tác động lên việc chi trả cho các nhu yếu phẩm cơ bản (bao gồm chè) của người tiêu dùng nước này.

Sau Pakistan, Đài Loan là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 2 của Việt Nam với 3.605 tấn, đạt 5,64 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường Đài Loan đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam, trong đó mặt hàng chè để xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á.

Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Đài Loan có xu hướng giảm mạnh do kinh tế suy giảm. GDP của thị trường Đài Loan trong quý I/2023 giảm 3,02% so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do tác động của lạm phát toàn cầu, áp lực tăng tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục suy yếu.

Chè xuất khẩu tới thị trường Nga trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2.427 tấn, đạt 3,94 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng, các biện pháp trừng phạt đối với Nga chưa ngừng lại. Hiện các hãng tàu, hàng không lớn chưa nối lại vận chuyển tới Nga.

Do đó, các hoạt động vận tải, thanh toán giữa Việt Nam và Nga vẫn còn nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng chè tới thị trường Nga.

Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam, Trung Quốc, Iraq và Saudi Arabia là các thị trường có mức tăng trưởng về lượng tới 2 con số với lần lượt 99%, 19% và 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Về trị giá, kim ngạch xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng tới 219% so với cùng kỳ năm 2022 và là thị trường duy nhất trong số các thị trường chính có mức tăng trưởng tới 3 con số. Đứng sau là Ấn Độ với 20%; Iraq với 3% và Saudi Arabia với 0,1%.

Về giá xuất khẩu trung bình, Trung Quốc là thị trường có giá xuất khẩu cao nhất với 2.637 USD/tấn, tiếp đến là Saudi Arabia với 2.497 USD/tấn, Pakistan với 1.812 USD/tấn.

(tổng hợp)