📞

Xuất khẩu ngày 19-23/9: Nửa đầu tháng 9, thâm hụt thương mại 845 triệu USD; mực, bạch tuộc 'đắt hàng'

Vân Chi 16:00 | 23/09/2022
Xuất khẩu bất ngờ “giảm tốc”, thâm hụt thương mại 845 triệu USD; mực, bạch tuộc "đắt hàng"; gạo, cá Việt vào châu Âu tăng đột biến...là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 19-23/9.
Trong kỳ 1 tháng 9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 845 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,64 tỷ USD. (Nguồn: Báo Hải quan)

Xuất khẩu bất ngờ “giảm tốc”, thâm hụt thương mại 845 triệu USD

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2022 (từ ngày 1/9 đến ngày 15/9/2022) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2022 đạt 526,04 tỷ USD, tăng 15,7% (tương ứng tăng 71,46 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 364,89 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng tới 49,93 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 161,15 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 21,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ 1 tháng 9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 845 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,64 tỷ USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9/2022 đạt 12,75 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 6,95 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 38,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD (tương ứng giảm 31,5%); hàng dệt may giảm 980 triệu USD (tương ứng giảm 44,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 751 triệu USD (tương ứng giảm 29,7%)...

Như vậy, tính đến hết 15/9/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 40,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,3 tỷ USD (tương ứng tăng 29,7%); hàng dệt may tăng 5,35 tỷ USD (tương ứng tăng 24,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,84 tỷ USD (tương ứng tăng 14,3%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD (tương ứng tăng 12,5%)...

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 9/2022 đạt 9,59 tỷ USD, giảm 35,4% (tương ứng giảm 5,27 USD) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Tính đến hết ngày 15/9/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 195,04 tỷ USD, tăng 18% (tương ứng tăng 29,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 9/2022, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam đạt 13,59 tỷ USD, giảm 13,6% (tương ứng giảm 2,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 372 triệu USD (tương ứng giảm 17,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 355 triệu USD (tương ứng giảm 9,8%); kim loại thường khác giảm 162 triệu USD (tương ứng giảm 36,7%); vải các loại giảm 107 triệu USD (tương ứng giảm 17%)...

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,38 tỷ USD (tương ứng tăng 20,7%); xăng dầu các loại tăng 3,67 tỷ USD (tương ứng tăng 132,6%); than các loại tăng 2,76 tỷ USD (tương ứng tăng 95,2%)...

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 9/2022 đạt 8,96 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 1,59 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Tính đến hết ngày 15/9/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 169,85 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 20,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,1% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Thép mạ Việt Nam bị Mexico áp thuế chống bán phá giá

Theo thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 14/9/2022, cơ quan điều tra Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ việc được Mexico khởi xướng từ tháng 8/2021 dựa trên đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.

Sản phẩm bị áp thuế sơ bộ, gồm: các sản phẩm thép mạ có mã HS: 7210.30.02, 7210.41.01, 7210.41.99, 7210.49.99, 7210.61.01, 7210.70.02, 7212.20.03, 7212.30.03, 7212.40.04, 7225.91.01, 7225.92.01 và 7226.99.99; và các mã 9802.00.01, 9802.00.02, 9802.00.03, 9802.00.04, 9802.00.06, 9802.00.07, 9802.00.10, 9802.00.13, 9802.00.15 và 9802.00.19 theo hệ thống mã HS của Mexico.

Mức thuế sơ bộ với các doanh nghiệp Việt Nam từ 0%-12,34%. Cục Phòng vệ thương mại cho biết đây là mức thuế tương đối thấp so với các vụ việc mà Mexico điều tra phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu từ các nước vào Mexico trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC, trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Mexico. Năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu USD.

Sau khi ban hành quyết định sơ bộ của vụ việc, cơ quan điều tra Mexico thông thường sẽ tiến hành thẩm tra doanh nghiệp (theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp), tổ chức phiên điều trần trước khi ban hành kết luận cuối cùng.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan tiếp tục chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu thép sang Mexico; nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống bán phá giá của Mexico; hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Mexico trong suốt quá trình điều tra. Đồng thời thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Chế biến mực để xuất khẩu. (Nguồn: VASEP)

Mực, bạch tuộc "đắt hàng", xuất khẩu tăng đột biến lên gần nửa tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến nay, xuất khẩumực, bạch tuộc của cả nước tăng đột biến lên 489 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu mực chiếm 56,4% đạt 276 triệu USD, tăng 47%; xuất khẩu bạch tuộc chiếm 43,6% đạt 213 triệu USD, tăng 24%.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chiếm tỷ trọng nổi trội trong các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm lần lượt 36% và 22%. Đứng thứ 3 là Trung Quốc chiếm 10% nhưng có mức tăng trưởng cao 113%. Xuất khẩu sang Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Israel cũng tăng mạnh: lần lượt ghi nhận tăng trưởng 53%, 152%, 76% và 193%

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang khối thị trường EU trong 8 tháng đầu năm đạt trên 52 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Italy, Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối. Xuất khẩu sang Italy giảm nhẹ 1% trong khi xuất khẩu sang 2 thị trường còn lại tăng lần lượt 152% và 76%.

Bạch tuộc tươi, đông lạnh mã HS 03 chiếm 83% tổng xuất khẩu bạch tuộc. Đối với mực, sản phẩm tươi/đông lạnh chiếm 49%, mực khô nướng chiếm 42%, còn lại là mực chế biến (9%).

Giá trị xuất khẩu mực ghi nhận tăng trưởng tốt hơn (47%) so với xuất khẩu bạch tuộc (24%). Xuất khẩu mực chế biến đạt mức tăng trưởng tốt nhất 79% trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.

Các địa phương xuất khẩu nhiều mực, bạch tuộc nhất của Việt Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Sóc Trăng…

Các sản phẩm xuất khẩu chính như bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, mực khô, mực khô chưa chế biến, bạch tuộc chế biến cắt đông lạnh, mực khô lột da, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực đông lạnh.

Đơn hàng gạo, cá Việt đi châu Âu tăng bất ngờ

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cá tra ở ĐBSCL đang dồn sức gom hàng, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng trên đến châu Âu, trong đó đặc biệt là thị trường Anh. Lý do là nhiều nước châu Âu rơi vào lạm phát kỷ lục, việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế cộng với việc đứt nguồn cung thủy sản từ Nga.

Đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết hiện nay xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh và các nước châu Âu tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ổn định và tăng mạnh hơn nữa vì từ thời điểm này đến cuối năm là giai đoạn xuất khẩu mạnh của ngành hàng cá tra Việt Nam hằng năm.

"Ngành cá tra Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng mạnh vào quý 3 và quý 4 do các nước chuẩn bị các ngày lễ cuối năm và đầu năm mới. Mạnh nhất từ tháng 9, 10, 11 hằng năm. Việc chúng tôi đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mà không cần lo lắng. Chúng tôi có hai nguồn là vùng tự nuôi cá và kho chứa. Do đó, chúng tôi sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu xuất khẩu từ nay đến cuối năm cho các thị trường", đại diện Công ty Vĩnh Hoàn tự tin.

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) cho biết trước đây thị trường Anh mua cá tra của Việt Nam thông qua một công ty trung gian của nước khác. Họ mua cá tra của Việt Nam rồi đóng gói xuất khẩu sang Anh nên không biết sản lượng ra sao. Sau nà,y quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Anh được thiết lập tốt, họ sang Việt Nam mua trực tiếp cá tra nhiều hơn. Do đó, cá tra xuất khẩu sang Anh ngày càng nhiều.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc thông tin, vài tuần gần đây, thị trường Anh và các nước châu Âu đang tăng cường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Ngoài chuyện lạm phát cao, người dân cần nguồn thực phẩm có giá phù hợp thì việc "đứt nguồn" cá thịt trắng đến từ Nga cũng là lý do dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Anh vào tháng 8/2022 đã tăng gấp ba lần cùng kỳ 2021.

"Thị trường Anh và châu Âu đang rất cần cá thịt trắng, Việt Nam đang đáp ứng rất tốt trong việc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và thông tin chúng tôi nắm được, có thể từ đây đến cuối năm việc xuất khẩu thủy sản vào Anh và các nước châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa", ông Dương Nghĩa Quốc dự báo.

(tổng hợp)