Gạo Việt đang có giá tốt tại nhiều thị trường trên thế giới. (Nguồn: Báo Công thương) |
Giá gạo Việt lập đỉnh
Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua Thái Lan. Đơn cử, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn.
Với mức giá như trên, hiện giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.
Không chỉ gạo trắng, các loại gạo thơm, gạo Japonica… cũng nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing công ty TNHH Vrice, thông tin giá gạo thơm xuất khẩu cho khách Trung Đông, châu Âu… lên tới 600 USD/tấn, riêng loại gạo Japonica giá cao hơn khoảng 700 USD/tấn.
Theo lý giải của ông Có, gạo Việt Nam đang có “thiên thời, địa lợi” khi nguồn cung lương thực thế giới sụt giảm do các yếu tố như xung đột chính trị, lạm phát, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu… Mặt khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu gạo rất nhiều trong những năm trước nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nước này hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, năm nay Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế gạo trắng 5% tấm.
“Dự báo giá gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục giữ mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng”, ông Có nhận định.
Gạo Việt gần đây chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo giá trị và thương hiệu gạo Việt vẫn chưa phát triển tương xứng, chưa kể vẫn còn tình trạng cạnh tranh kiểu “ta tự hại ta”.
Ông Có chỉ ra rằng sự thiếu đoàn kết, đồng lòng của các công ty trong nước mà rõ nhất là tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến mất uy tín chung của gạo Việt Nam.
“Một số đơn vị cung cấp gạo cho công ty tôi khi thấy giá thị trường cao thì họ chậm giao hàng, thậm chí ngắt liên lạc để bán cho đơn vị mới. Bên cạnh đó, một số công ty xuất khẩu gạo kiểu ăn xổi, hạ giá, trộn gạo để tranh bán khiến giá xuất khẩu bị kéo xuống. Nếu các nhà xuất khẩu gạo Việt đồng lòng, tự ý thức giữ chữ tín thì gạo xuất khẩu của Việt Nam còn bán được giá hơn”, ông Có nói.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các nhà xuất khẩu gạo Việt được nhiều lợi ích, có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc so với Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Tuy nhiên, do văn hóa thương mại không tốt, biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu sang thị trường nào là tìm cách hạ giá thành sản phẩm để giành khách hàng lẫn nhau. Điều này khiến gạo Việt dù có thể bán với giá 2.000 USD/tấn nhưng thực tế có khi chỉ bán được trên dưới 1.000 USD/tấn.
“Gạo sạch của chúng tôi đang bán cho người tiêu dùng tại Việt Nam nhiều năm nay đa số với giá 25.000-30.000 đồng/kg, tương đương trên 1.000 USD/tấn. Như vậy, giá bán vào châu Âu phải 1.500-2.000 USD/tấn mới đúng với giá trị thật. Nghĩa là nếu các nhà xuất khẩu Việt đoàn kết thì giá gạo Việt bán sang châu Âu có thể cao hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Công bố danh sách 281 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021
Thực hiện văn bản số 2840/BCT-XNK ngày 26 tháng 5 năm 2022 của Bộ Công thương về việc xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan hữu quan lựa chọn, tổng hợp và đăng tải Danh sách sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương để tham khảo ý kiến công luận.
Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…
Đây là hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt lkhi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Sau một thời gian đăng tải Danh sách sơ tuyển, tiếp thu các ý kiến phản hồi, ngày 02 tháng 12 năm 2022, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021.
Trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).
Hiện nay, Quyết định số 2615/QĐ-BCT ngày 2 tháng 12 năm 2022 và Danh sách chính thức “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021 đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương (www.moit.gov.vn) và trang thông tin điện tử của một số cơ quan hữu quan.
Ngành gỗ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu là 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, tình hình năm nay dường như không mấy khả quan.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tính đến ngày 15/10 đã đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với mục tiêu xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD trong năm nay, ngành gỗ đã hoàn thành được 77,6% và còn cần thêm 3,7 tỷ USD trong thời gian còn lại để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Kết quả kinh doanh những tháng cuối năm nay của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Tuy nhiên, theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 11, xuất khẩu gỗ giảm 10% so với tháng 10. Chỉ tiêu xuất khẩu năm nay cũng đang khó hoàn thành, bởi tháng cuối năm này doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, nhất là tại các thị trường chủ lực.
Kết quả kinh doanh những tháng cuối năm nay của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Ngành xuất khẩu gỗ chưa năm nào gặp nhiều khó khăn và thách thức như năm nay. Chi phí đầu vào tăng, lượng hàng tồn kho lại đang ở mức cao khiến doanh nghiệp gỗ gặp khó chồng khó. Đơn hàng sụt giảm là một trong các điểm nghẽn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó.
Chưa tính đến sụt giảm doanh thu, nếu như những năm trước, thời điểm này doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6 năm sau để bắt đầu sản xuất, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp còn chưa có đơn hàng, thậm chí ngừng hoạt động.
"Tồn kho hiện tại toàn hàng giá cao, trong khi ở Mỹ và các nước phương Tây đang trong tình trạng lạm phát cao, lãi suất cao, ngành địa ốc đóng băng dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà bán lẻ nói chung đang chất như núi, khiến các nhà sản xuất Việt Nam tạm thời không có đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nếu may mắn có đơn hàng thì có từng tháng", ông Vũ Tiến Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nội thất D'Furni, cho biết.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng đầu năm sẽ không có nhiều tăng trưởng, kỳ vọng đến tháng 3, 4, sau mùa hội chợ đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng nhiều hơn.
Thực tế hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam. Khi thị trường này khủng hoảng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều rủi ro. Tìm kiếm thị trường mới, gần Việt Nam hơn như thị trường châu Á cũng đang là giải pháp nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh như hiện nay. Ngoài ra, những thị trường như Australia, Canada hay Trung Đông cũng được đánh giá là rất tiềm năng cho gỗ Việt Nam.