📞

Xuất khẩu ngày 20-24/6: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo; UKVFTA 'tiếp sức' cho xuất khẩu Việt Nam sang Anh

Vân Chi 17:18 | 24/06/2022
Xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2022; tìm 'cửa ngách' cho hàng Việt sang thị trường Đức; xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ngoại mục... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 20-24/6.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2022

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 5/2022 các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, tính đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra phile xuất khẩu trung bình sang Trung Quốc dao động từ 3,15 - 3,25 USD/kg, cao hơn 0,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tại thị trường Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Đáng chú ý, giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Hoa Kỳ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.

Tính đến hết tháng 5/2022, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hong Kong và Hoa Kỳ).

Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ các nước trong khối liên tục tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU, Thái Lan, Brazil, Anh, Colombia, Ai Cập vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; sang Thái Lan tăng 85%; Brazil tăng 51%...

Giá xuất khẩu tốt, ổn định, giá nguyên liệu trong nước giảm nhẹ dao động 31.500 - 32.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Dự báo giá cá thương phẩm trung bình trong thời gian tới vẫn giữ ổn định do nhu cầu nhiều thị trường xuất khẩu vẫn lớn.

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực. Tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 457 triệu USD, tăng 31% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ chững lại trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc bật tăng.

Theo thống kê của VASEP, tính đến giữa quý II/2022, xuất khẩu thủy sản đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra có mức tăng trưởng cao. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự tăng trưởng ấn tượng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, sự tăng trưởng này là do sự mở cửa trở lại của hầu hết các thị trường xuất khẩu (trừ Trung Quốc). Nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng.

Bên cạnh đó, lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ USD.

Tìm "cửa ngách" sang thị trường Đức

Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn đạt mức tăng trưởng 10,6%, lên mức kỷ lục 7,3 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, giúp hạn chế tác động của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức.

5 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,604 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may đạt 409,394 triệu USD; giày dép các loại đạt 518,671 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 613,453 triệu USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt 1,502 tỷ USD.

Theo Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng, bởi số lượng người châu Á đang sinh sống tại Đức ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á cũng như Việt Nam, nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.

Mặc dù có nhiều lợi thế, song xuất khẩu hàng hóa sang Đức vẫn có những thách thức, đó là các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm và một chế tài xử phạt đối với vi phạm các quy định nhập khẩu rất nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đức có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín… của sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu này thường cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, thậm chí cả một số thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, và ít chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu…

Để có thể tiếp cận được thị trường Đức, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục nhập khẩu của EU và Đức; nghiên cứu kỹ thị trường Đức (đặc biệt là thị trường ngách), tìm hiểu chi tiết về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này từ đó nghiên cứu cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.

Xuất khẩu sang Anh tăng ngoạn mục nhờ 'cao tốc' UKVFTA

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Anh đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA đem lại. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA", do Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Anh tổ chức sáng 23/6 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê từ Hải quan cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn còn chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương)- cho biết, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh.

Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh. “Nhờ được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 1/1/2021 nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh”, bà Nguyễn Khánh Ngọc thông tin.

Ông Chris Milliken - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) cho hay, hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Anh đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Anh.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Chris Milliken cho biết, Anh nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, top 3 thị trường xuất khẩu gỗ. Tại các siêu thị Anh quốc, có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như tiêu, điều, cà phê, thủy sản... Riêng mặt hàng hạt điều Việt Nam chiếm tới 90% lượng điều tại Anh.

“Tôi tin rằng hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau”, ông Chris Milliken nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm đến các thị trường bền vững. (Nguồn: Báo Công Thương)

Khơi thông dòng chảy cho gạo Việt Nam

Ngày 22/6, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo "Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam" do Nhịp sống kinh doanh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức.

Ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agrimonitor cho biết, trong 5 - 7 năm, xuất khẩu gạo có tiến triển lớn, phân khúc gạo trung bình khá Việt Nam đã được khẳng định. Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam, nhất là loại gạo thơm và Thái Lan có thể để mất thị phần vì giá gạo thơm Thái Lan quá cao.

Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu Việt Nam không tăng trong 3 năm qua, giá thế giới tương tự. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ không cao so với trước đây. Lý do là dự báo năm 2023, tồn kho gạo vẫn lên tới 180 triệu tấn, cao hơn 2019, 2020.

Nhận định về giá gạo của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tân Long Group cho biết, bức tranh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn thường được so sánh với đối thủ Thái Lan.

Tuy nhiên, so với Thái Lan, Việt Nam có các giống gạo đa dạng, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có. Tương tự, nhiều giống gạo dài Thái Lan, Campuchia cũng không có. Nhưng, có điểm chung về thị trường xuất khẩu là Philippines.

Đặc biệt, tại Việt Nam các giống gạo thơm rất đa dạng. Gạo thơm đang thâm nhập các thị trường mới. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích loại gạo này của Việt Nam, kể cả tấm. Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 cũng từng rất cao, giá gạo japonica cũng cao hơn gạo dài.

“Tôi cho rằng mỗi loại gạo đều có thị trường riêng. Nếu gạo Việt Nam có bán cao hơn hay thấp hơn gạo Thái Lan hay 20-30 USD cũng là bình thường”, ông Nguyễn Chánh Trung nói.

Mặc dù xuất khẩu gạo đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá, ngành gạo vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2021 các thị trường xuất khẩu gạo ổn định như Philippines, Trung Quốc, trong khi Indonesia và Malaysia giảm mạnh, cho thấy thị trường Đông Nam Á chúng ta trông cậy chủ yếu ở thị trường Philippines.

“Chúng ta nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm mình không có và ngược lại, người tiêu dùng dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Như thị trường Philippines họ thích ăn gạo Việt hơn. Vậy Việt Nam ổn định thị trường này. Không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng thị trường bền vững”, ông Đỗ Hà Nam khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agrimonitor cho rằng, để vào thị trường cao cấp rất khó khăn bởi tiêu chuẩn khắt khe và việc đảm bảo chất lượng đồng đều không dễ. Để gạo Việt đi vào thị trường Mỹ, Nhật, EU đều phức tạp.

Ngoài ra, trong 4-5 năm, gạo thơm Việt Nam có tín hiệu xuất khẩu tốt, vào Philippines, sang châu Phi. “Đây là gợi ý cho chúng ta, nên tập trung vào thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối tốt thay vì lan man đi nhiều thị trường như hiện nay”, ông Phạm Quang Diệu lưu ý.

(tổng hợp)