Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 23-25/10: Nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD 'vững vàng'; hàng Việt Nam gặp 'khó' vì điều tra, phòng vệ thương mại gia tăng

Xuất khẩu hải sản 9 tháng đạt 2,4 tỷ USD; xuất khẩu xi măng, máy móc tăng trưởng khả quan; các vụ điều tra, phòng vệ thương mại nước ngoài có xu hướng tăng... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 23-25/10.

Xuất khẩu hải sản 9 tháng đạt 2,4 tỷ USD

Chín tháng qua, xuất khẩu hải sản tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP).

Kim ngạch 2,4 tỷ USD xuất khẩu hải sản của Việt Nam đến từ các mặt hàng: cá ngừ; mực, bạch tuộc; cua, ghẹ, giáp xác; nhuyễn thể hai mảnh vỏ; nhuyễn thể khác; cá các loại (trừ cá ngừ và cá tra). Trong 9 tháng đầu năm, ba mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất lần lượt là: các loại cá (trừ cá ngừ và cá tra); cá ngừ và mực, bạch tuộc.

Xuất khẩu ngày 23-25/10: Nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD 'vững vàng'; hàng Việt Nam gặp 'khó' vì điều tra, phòng vệ thương mại gia tăng
VASEP dự báo, sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Tuy nhiên, về tăng trưởng, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng mạnh nhất với 39%, đạt 99,6 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ 2020. Ngược lại, xuất khẩu nhuyễn thể khác giảm mạnh nhất (36%) còn cá khác và cua ghẹ giảm lần lượt 0,6% và 6%.

Top 5 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất 9 tháng qua của Việt Nam gồm Hàn Quốc (chiếm 41%), CPTPP (chiếm 24%), Thái Lan (chiếm 11%), EU (chiếm 10%), và Trung Quốc (chiếm 7%). So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường CPTPP và Trung Quốc đều giảm 6%, nhưng sang EU tăng mạnh nhất với 30%.

Kim ngạch lũy kế 9 tháng tích cực nhưng những tháng gần đây, xuất khẩu hải sản đã tuột dốc. Sau khi giảm 24% trong tháng 8, xuất khẩu trong tháng 9 tiếp tục giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất bị đình trệ do giãn cách xã hội để phòng chống dịch từ giữa tháng 7. Các nhà máy chế biến vì thế giảm công suất, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng gián đoạn, đi lại vận chuyển không thông suốt.

VASEP dự báo, với tình trạng dịch Covid chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất từ giữa tháng 9 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân công, nguồn vốn, chi phí tăng. Do vậy, sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10.

Nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD vẫn 'vững vàng'

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), dù dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và nguyên liệu, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng 9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,11 tỉ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với mức tăng 30,6%, tương ứng tăng 2,6 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan
Xuất khẩu ngày 12-15/10: Việt Nam là nhà cung hạt điều số 1 ở Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vì sao giá gạo tăng mạnh? Xuất khẩu ngày 12-15/10: Việt Nam là nhà cung hạt điều số 1 ở Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vì sao giá gạo tăng mạnh?

Viforest dự đoán kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt 14-14,5 tỉ USD trong năm nay.

Theo Bộ Công Thương, tính đến giữa tháng 10.2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đã đạt hơn 510 tỉ USD. Chỉ riêng trong 2 tuần đầu tiên của tháng 10/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 13,16 tỉ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỉ USD.

Trong nửa đầu tháng 10/2021, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên gồm: Gỗ và lâm sản; thủy sản; rau quả; gạo; caosu; càphê;, hạt điều; điện thoại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may...

Xuất khẩu máy móc, thiết bị tăng trưởng hơn 8 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 18% tương ứng tăng 38,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 8,42 tỷ USD, tương ứng tăng 43%; sắt thép các loại tăng 5,12 tỷ USD, tương ứng tăng 135,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,25 tỷ USD, tương ứng tăng 12,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,07 tỷ USD, tương ứng tăng 10,3%...

Tuy nhiên, về quy mô kim ngạch, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta với 43,48 tỷ USD.

Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 38,39 tỷ USD; trong khi máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đứng thứ ba với 27,97 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là nơi tiêu thụ hàng hóa Việt Nam nhiều nhất với kim ngạch đạt 68,87 tỷ USD (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 9), tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hết ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 186 tỷ USD, tăng 21,7%, tương ứng tăng 33,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu xi măng, clinker lập kỷ lục mới

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 32,687 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá 1,253 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá so cùng kỳ năm 2020. Với đà xuất khẩu như 9 tháng qua, dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay sẽ vượt ngưỡng 40 triệu tấn.

Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành xi măng những năm gần đây. Năm 2020, thị trường trong nước tiêu thụ 62,12 triệu tấn sản phẩm, kênh xuất khẩu đạt mức kỷ lục 38,02 triệu tấn. Tính riêng 2 tháng 8 và 9/2021, mỗi tháng, ngành này xuất khẩu 4 - 4,3 triệu tấn sản phẩm, tăng mạnh so mức 3,5 triệu tấn của tháng 7 và mức 2,77 triệu tấn của tháng 6.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng xi măng, clinker xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt gần 16 triệu tấn, trị giá hơn 500 triệu USD. Trong khi đó, các con số tương ứng tại thị trường Philippines là 5,5 triệu tấn, 240 triệu USD; Bangladesh đạt 3,5 triệu tấn, 120 triệu USD...

Xuất khẩu ngày 23-25/10: Nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD 'vững vàng'; hàng Việt Nam gặp 'khó' vì điều tra, phòng vệ thương mại gia tăng
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành xi măng những năm gần đây. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Xuất khẩu tăng nhưng tiêu thụ nội địa lại giảm do những tháng gần đây, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống Covid-19. Ước tiêu thụ nội địa 9 tháng qua đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho rằng, dịch bệnh tái bùng phát đã khiến hàng loạt dự án xây dựng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải tạm dừng thi công, nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm.

Vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại nước ngoài gia tăng

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra; trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Theo Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, điều này sẽ có những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Để tránh bị áp thuế, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, cảnh báo sớm tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ cũng sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra, các công việc doanh nghiệp cần thực hiện, các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp…

Giá cà phê hôm nay 25/10, Xuất khẩu cà phê Việt tiếp tục giảm; Dấu hiệu đầu cơ robusta đã rõ ràng

Giá cà phê hôm nay 25/10, Xuất khẩu cà phê Việt tiếp tục giảm; Dấu hiệu đầu cơ robusta đã rõ ràng

Thông tin nổi bật trong tuần là một số quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới đang xem xét việc rút ra ra ...

Xuất khẩu ngày 18-22/10: Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, xuất khẩu gạo 'rộng đường', doanh nghiệp thủy sản nỗ lực phục hồi

Xuất khẩu ngày 18-22/10: Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, xuất khẩu gạo 'rộng đường', doanh nghiệp thủy sản nỗ lực phục hồi

Xuất khẩu gạo sớm khôi phục; Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; xuất khẩu thép và da giày ...

(tổng hợp)