Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý về quy định sửa đổi mới của EU. (Nguồn: Báo Thanh niên) |
EU sửa đổi quy định về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, hoa quả
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, ngày 23/1/2023, EU đăng công báo quy định implementation regulation (EU) 2023/147 ngày 20/1/2023 về sửa đổi phụ lục II, III và V của quy định 396/2005 về ngưỡng dư lượng cyromazine (chất trừ sâu), topramezone (diệt cỏ) và triflumizole (diệt nấm) trong hoặc trên một số sản phẩm.
Theo đó, ngưỡng dư lượng của cyromazine trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,01 mg/kg; trên rau tươi/đông lạnh là 0,01 mg/kg; trên hạt dầu và quả có dầu là 0,01 mg/kg; trên ngũ cốc là 0,02 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,1 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,01 - 0,05 mg/kg
Ngưỡng dư lượng của topramezone trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,005 mg/kg, trên rau tươi/đông lạnh là 0,005 mg/kg, trên hạt và quả có dầu là 0,005 mg/kg, trên ngũ cốc là 0,01 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,02 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,002 - 0,01 mg/kg.
Ngưỡng dư lượng của triflumizole trên trái cây tươi/đông lạnh và các loại hạt là 0,02 mg/kg, trên rau tươi/đông lạnh là 0,02 mg/kg, trên hạt và quả có dầu là 0,02 mg/kg, trên ngũ cốc là 0,02 mg/kg; trên trà, cà phê, trà thảo dược và cacao là 0,1 mg/kg; trên sản phẩm từ động vật từ 0,01 - 0,05 mg/kg.
Quy định này có hiệu lực sau 20 ngày đăng công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng có hiệu lực.
Xuất khẩu kỷ lục, doanh nghiệp thủy sản "ăn nên làm ra"
Cả năm 2022, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản đều có sự tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp được tính "bằng lần" so với năm đó.
Trong số các doanh nghiệp thủy sản, phải kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD (tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đều đạt 2 con số trở lên. Nhờ vậy, các doanh nghiệp cá tra đều có một năm “hái ra tiền”.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 và lũy kế cả năm 2022 mà Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) vừa công bố, doanh thu đạt 1.144 tỷ đồng (giảm khoảng 7% so với quý 3/2022). Nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục trong nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp này vẫn đạt 4.896 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 40% so với năm ngoái), với lợi nhuận sau thuế đạt gần 674 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần so với năm 2021.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI tính đến hết năm 2022, doanh thu của IDI đạt 4.936 tỷ đồng (tăng 42,5% so với năm 2021). Lợi nhuận sau thuế đạt gần 500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2021.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Thủy sản Mê Kông năm 2022 đạt hơn 212 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tăng 58% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế đạt gần 17 tỷ đồng, gấp 75 lần so với năm 2021.
Trong khi đó, doanh nghiệp số 1 ngành cá tra của Việt Nam là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), tính đến hết quý III/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.190 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng, gấp 2,1 lần.
Ngoài cá tra, năm 2022, ngành tôm cũng có đóng góp lớn khi đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11% so với năm trước). Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khá khả quan, song do tình hình quản trị của mỗi công ty nên bức tranh cũng có sự phân hóa.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa công bố, doanh thu thuần đạt hơn 4.300 tỷ đồng (tăng khoảng 7% so với cùng kỳ). Khấu trừ chi phí, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn lãi sau thuế khoảng 315 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 33% so với lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm ngoái.
Doanh nghiệp số 1 trong ngành tôm Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú tính đến hết quý III/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 13.900 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng của Minh Phú tăng mạnh, nên lợi nhuận sau thuế đạt 574 tỷ đồng (chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Dệt may, da giày hướng đến mục tiêu xuất khẩu 106 - 108 tỷ USD
Năm 2022, ngành dệt may và da giày đã mang về kim ngạch xuất khẩu 71 tỷ USD, trong đó dệt may đạt 44 tỷ USD; da giày - túi xách đạt 27 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy vậy, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số.
Tiếp nối những kết quả ấn tượng của năm qua, năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.
Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD. (Nguồn: VnEconomy) |
Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm.
Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước.
Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động ngành Dệt May và Da Giầy đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.
Phấn đấu giai đoạn 2031 – 2035 Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giầy đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.