Tính đến hết 15/5/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 135,2 tỷ USD, tăng 15,5% tương ứng tăng 18,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: VnEconomy) |
Xuất khẩu “hụt hơi”, nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 (từ ngày 01/5 đến ngày 15/5/2022) đạt 28,34 tỷ USD, giảm 15,6% (tương ứng giảm 5,3 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2022 đạt 270,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 36,01 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng tới 23,44 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ 1 tháng 5/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,7 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 223 triệu USD.
Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 12,82 tỷ USD, giảm 28,6% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2022, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,2 tỷ USD, tương ứng giảm 39,3%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 863 triệu USD, tương ứng giảm 32,1%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 481 triệu USD, tương ứng giảm 24,4%;
Như vậy, tính đến hết 15/5/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 135,2 tỷ USD, tăng 15,5% tương ứng tăng 18,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,61 tỷ USD, tương ứng tăng 13,1%; Hàng dệt may tăng 2,32 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 1,76 tỷ USD, tương ứng tăng 13,2%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,78 tỷ USD, tương ứng tăng 10%;... so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Tính đến hết ngày 15/5/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 98,8 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 11,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 15,52 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% (tương ứng giảm 96 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2022 là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 400 triệu USD, tương ứng giảm 10,8%; Dầu thô giảm 146 triệu USD, tương ứng giảm 40,7%...
Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng tăng như: xăng dầu các loại tăng 116 triệu USD, tương ứng tăng 31,7%; Thức ăn gia súc nguyên liệu tăng 114 triệu USD, tương ứng tăng 57,1%...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 135,39 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 17,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,5 tỷ USD, tương ứng tăng 30%; xăng dầu các loại tăng 2,14 tỷ USD, tương ứng tăng 129,7%; than các loại tăng 1,46 tỷ USD, tương ứng tăng 111,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong kỳ 1 tháng 5/2022, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 9,77 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 331 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Tính đến hết ngày 15/5, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 88,5 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 11,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Xuất khẩu tôm tăng đột biến
Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm khá thuận lợi và liên tục tăng trưởng, riêng tháng 4 đạt hơn 442 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 5 thị trường nhập tôm chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng từ 15-91% trong giai đoạn này.
Hiện, Mỹ là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều tôm nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16%. Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 291 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ. Còn Trung Quốc là thị trường nhập tôm lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tôm trong 4 tháng đạt hơn 187 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ.
Lý do xuất khẩu tôm của Việt Nam thuận lợi là nhờ nhu cầu tại các thị trường tăng mạnh hậu Covid-19. Ngoài ra, hàng hóa của Việt Nam được quảng bá nhiều tại hội chợ quốc tế giúp cho việc tiếp cận đối tác nhiều và nhanh hơn.
Việc Covid-19 gần đây bùng phát mạnh tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy tại nước này bị đóng cửa, sản xuất đình trệ, nên thị trường này thiếu hụt nguồn cung tôm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do đó, đây là cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt sang và dự kiến tăng mạnh trong những tháng tiếp theo.
VASEP dự báo, quý II/2022 kim ngạch xuất khẩu tôm tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,2 tỷ USD.
35% giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là hàng nông sản
"Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 8 của Mỹ. Chúng tôi rất tự hào vì đã cung cấp đa dạng các sản phẩm nông sản của Mỹ đến Việt Nam".
Đó là chia sẻ của Đại sứ Marc E.Knapper trong lễ hội tiệc nướng BBQ mùa hè mỹ vị Hoa Kỳ do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức tối 26-5.
Tại sự kiện, Đại sứ Knapper và Tham tán nông nghiệp Robert Hanson đã "chiêu đãi" thực khách Việt các món nướng chuẩn vị Mỹ.
Tất cả các nguyên liệu được sử dụng trong lễ hội đều là các sản phẩm thịt được nhập khẩu từ Mỹ đang có mặt tại thị trường Việt Nam.
Thịt là một trong những mặt hàng nông sản được người tiêu dùng Việt ưa chuộng bên cạnh các loại sản phẩm khác như hải sản, hoa quả, ngũ cốc, hạt… được nhập khẩu từ Mỹ.
Đại sứ cho rằng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng vì đồ ăn mang mọi người đến gần nhau hơn, khi Việt Nam và Mỹ xuất khẩu nông sản sang đất nước của nhau sẽ khiến hai nước xích lại gần nhau.
Hiện hai nước đang tiếp tục đàm phán để đưa sản phẩm bưởi chùm của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Knapper hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để tổ chức các ẩm kiện như thế này trong thời gian tới, qua đó giới thiệu các loại thực phẩm, nông sản cũng như ẩm thực, văn hóa của Mỹ đến người dân và các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều dư địa xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP
Ngày 27/5, tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là phiên tư vấn thứ 17 trong chuỗi 30 phiên tư vấn thuộc Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho rằng, việc tham gia phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước RCEP để có biện pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, bền vững với các thị trường này trong thời gian tới.
Tại phiên tư vấn, các doanh nghiệp được nghe ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc trình bày tổng quan thị trường thủy sản tại Trung Quốc. Bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào giới thiệu tổng quan thị trường thủy sản tại Lào.
Bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia trình bày tổng quan thị trường thủy sản tại Malaysia. Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore giới thiệu về thị trường thủy sản tại Singapore.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được thông tin về các vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang các nước trên…
RCEP giữa ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013.
Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này). Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP.
Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt, phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN.
Theo đó, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022 và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022.