Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội điều Việt Nam cũng đã kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu cả năm ở mức khiêm tốn 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. (Nguồn: VnEconomy) |
Ngành điều hạ mục tiêu xuất khẩu năm 2022
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 49,9 nghìn tấn, trị giá 304,65 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 7,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 202,9 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 5,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.105 USD/ tấn, tăng 2,4% so với tháng 4/2022, nhưng giảm 0,6% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.992 USD/tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tin liên quan |
Đáng chú ý, tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Anh, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia.
Tính chung, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Hoa Kỳ, Anh, Australia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Saudi Arabia, Italy.
Mặc dù tính đến thời điểm này, xuất khẩu điều của Việt Nam đã vượt con số 1 tỷ USD, tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội điều Việt Nam, những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Đặc biệt, việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid khiến việc xuất khẩu điều của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục gặp bất lợi.
Cùng với nguồn cung trong nước, một lượng không nhỏ xuất khẩu điều của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu điều thô. Số liệu của Hiệp hội điều Việt Nam cho hay, 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều nhập khẩu khoảng 968.000 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị gần 1,4 tỷ USD, giảm 35,24% về lượng và giảm 37,84% về trị giá. Tuy nhiên, nếu xem xét giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp ngành điều, việc giá điều thô nguyên liệu tăng cao hơn 15-20% so với năm trước, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục tăng trong khi giá điều nhân xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều nhà máy chế biến nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất để "cắt lỗ", các nhà máy lớn cũng giảm công suất và chế biến cầm chừng vì càng chế biến nhiều thì càng lỗ.
Trong bối cảnh giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19. Trong khi đó, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu cho ngành điều với kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội điều Việt Nam cũng đã kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu cả năm ở mức khiêm tốn 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021.
Việt Nam chi gần 40 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/6, cả nước chi 39,62 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch của nhóm hàng này tăng thêm gần 9 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 29,3%.
Với kết quả trên, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,36% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Đáng chú ý, so với các nhóm hàng xếp sau, kim ngạch của máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có sự vượt trội. Đơn cử như nhóm hàng xếp thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chỉ đạt 20,43 tỷ USD.
Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng này đều đến từ châu Á. Cụ thể, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (cập nhật theo thị trường hết tháng 5), nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ thị trường Hàn Quốc là 10,53 tỷ USD, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là từ Trung Quốc với 10,36 tỷ USD, tăng 29,2%; từ thị trường Đài Loan với 4,98 tỷ USD, tăng 35,5%; từ Nhật Bản với 2,89 tỷ USD, tăng 39,8%…
Liên quan đến nhập khẩu của cả nước nói chung, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận từ đầu năm đến hết 15/6, tổng kim ngạch đạt 169,58 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 23,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các nhóm hàng có kim ngạch tăng cao như: xăng dầu các loại tăng 2,53 tỷ USD, tương ứng tăng 128,4%; than các loại tăng 2,19 tỷ USD, tương ứng tăng 135,7%...
Thương mại hai chiều Việt Nam–Đan Mạch tăng trưởng khả quan
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt khoảng 318,53 triệu USD.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt khoảng 227,2 triệu USD, tăng 53,6%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 91,33 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Đan Mạch vẫn đạt 842,37 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch phải kể đến như: hàng dệt, may, hàng thủy sản, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác,... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép…
Quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 5,8 lần trong giai đoạn 2000-2020.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ năm 2021 đã mang lại tác động tích cực cho hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường EU nói chung và Đan Mạch nói riêng.
Về đầu tư, Đan Mạch tiếp tục vươn lên vị trí thứ ba trong các nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay với 3 dự án mới có tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm.
Những dự án đầu tư gần đây của các công ty như LEGO và Pandora đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt và cam kết của các doanh nghiệp Đan Mạch tại thị trường Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được quay trở lại và hợp tác với Việt Nam sau khi các biện pháp phòng dịch Covid-19 phần nào được dỡ bỏ.
Hoa Kỳ giữ vị trí số 1 trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Hoa Kỳ giữ "ngôi vương" về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Chiếm 23% kim ngạch, Hoa Kỳ giữ vị trí số 1 trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, đây cũng là thị trường số 1 của tôm Việt, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, trong đó, riêng tôm chân trắng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Hoa Kỳ tăng lần lượt 33% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là một nguồn cung cấp tôm thịt hàng đầu cho thị trường này. Tổng xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 390 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 13-15/5: Chuyên gia 'mách chiêu' để nông sản Việt 'lấy lòng' thị trường Hoa Kỳ; tận dụng tối đa 'cao tốc' EVFTA |
Với cá tra, Hoa Kỳ là thị trường số 2 sau Trung Quốc, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo VASEP, có 5 yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tăng đột phá. Cụ thể, sản lượng cá da trơn của Hoa Kỳ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng; giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Hoa Kỳ đạt đỉnh…
Với cá ngừ, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng áp đảo 54%. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cá ngừ loin/phile đông lạnh sang Hoa Kỳ, chiếm 74%. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ đạt 251 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản phẩm loin cá ngừ (phần thịt thăn dọc sống lưng của cá ngừ) đạt 186 triệu USD, tăng 184%.
“Tại thị trường Hoa Kỳ, trừ nhuyễn thể có vỏ giảm 10%, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm trước, nhất là mặt hàng cá tra với tăng trưởng 131% so với cùng kỳ”, VASEP nhận định.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ dự báo vẫn cao trước tác động của xung đột Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng nóng trong nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng thấp hơn nửa đầu năm nay. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ năm 2022 sẽ đạt 2,4 - 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.
| Gỡ 'vướng' cho thương mại biên giới, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Campuchia Ngày 22/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Campuchia tổ chức Phiên tư vấn ... |
| Cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD 5 tháng đầu năm 2022; cơ hội "vàng ròng" cho cá tra Việt ... |